Đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận có thể bị phạt tới 200.000 đồng

Đời sống - Ngày đăng : 16:01, 27/03/2013

Đây là một điểm đáng chú ý nêu trong Dự thảo (lần 3) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ GTVT vừa công bố để lấy ý kiến các ban, ngành và người dân.


Theo đó, người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách hoặc đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không có đủ 3 bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo theo quy định khi tham gia giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.

Mức phạt này cũng được đề xuất áp dụng xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải cho biết ngoài việc vẫn kế thừa quy định xử phạt đối với 2 hành vi “không đội mũ bảo hiểm” và “đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách”, trong Dự thảo bổ sung thêm quy định xử phạt hành vi đội mũ không đủ 3 bộ phận nêu trên.

Quy định này nhằm giúp cho người sử dụng cũng như các lực lượng chức năng dễ nhận biết để thực hiện.

Chưa đề xuất phạt xe “không chính chủ”

Một nội dung khác được nhiều người quan tâm là xử phạt về hành vi không nộp phí sử dụng đường bộ và hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết: Hiện nay, các chính sách về thuế, thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển quyền sở hữu phương tiện vẫn đang được các cơ quan chức năng xây dựng và từng bước hoàn thiện. Hoặc có những văn bản đã được ban hành chưa có hiệu lực thi hành để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, sau khi các chính sách được ban hành cũng cần có thời gian và lộ trình cần thiết để nhân dân thực hiện chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện.

Do vậy, trong Dự thảo lần này, Bộ Giao thông vận tải chưa đề xuất xử phạt đối với chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu mà dư luận vẫn quen gọi là “phạt xe không chính chủ” để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã quy định xử phạt về hành vi không nộp phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã rút quy định trên ra khỏi Dự thảo để chuyển sang quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí và lệ phí cho phù hợp.

Theo chinhphu.vn