Quyền lợi của NTD Thủ đô đã được đảm bảo hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 14:32, 27/03/2013

(HNMO) – Sáng 27-3, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Phan Tiến Bình đã dẫn đầu đoàn làm việc đến Siêu thị điện máy Pico ở 324 Tây Sơn và Trung tâm mua sắm Hapro 102 Thái Thịnh để kiểm tra việc triển khai chương trình “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng” do TP Hà Nội đang phát động.

Theo đó, ở Siêu thị điện máy Pico, đại diện Pico cho biết: Trong “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng” này, Phòng chăm sóc khách hàng của Pico đã nhận được 10 ngàn cuộc gọi của người tiêu dùng hỏi thông tin về khuyến mại, những chương trình triển khai, những dịch vụ Pico cung cấp… Trong tháng, Pico cũng đã giải quyết được 300 vụ khiếu nại, thắc mắc, giảm khoảng 20% so với tháng 2-2013.

Mặt khác, để tăng thêm quyền lợi cho khách hàng, hệ thống siêu thị điện máy Pico đã tặng 2000 phiếu bảo dưỡng điều hòa miễn phí; Tăng thời gian đổi hàng lên tới 30 ngày, tặng thêm 1 năm bảo hành; Ưu đãi thanh toán bằng thẻ Vietinbank được giảm 5%, lãi suất 0% hóa đơn mua hàng khi mua sắm bằng thẻ của ANZ; Từ ngày 15-3 (vào thứ 6, 7 hàng tuần), Pico tặng điện thoại cho khách hàng khi mua hàng trị giá 5 triệu đồng trở lên… Hãng cũng chia sẻ trên facebook về 8 quyền của người tiêu dùng và tặng quà cho khách khi trả lời đúng các câu hỏi về quyền của người tiêu dùng… Tổng giá trị khuyến mại cho các chương trình trên lên đến 400 triệu đồng. Nhờ triển khai mạnh “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng”, lượng khách đến Pico trong tháng 3 này đạt 80 ngàn lượt, tăng 20% so với tháng trước; Doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng.



Trả lời câu hỏi của báo chí về một số sản phẩm tại hệ thống điện máy Pico giá cao hơn so với cửa hàng bên ngoài, đại diện của hãng cho biết: các siêu thị điện máy lớn không thể rẻ được tất cả các mặt hàng hay bán cao tất cả các mặt hàng. Thường đơn vị nào nhập số lượng hàng lớn sẽ được hưởng giá hấp dẫn hơn. Tại Pico nhiều sản phẩm thấp hơn các siêu thị khác: để cạnh tranh luôn có sản phẩm tốt, giá thấp hơn. Hơn nữa, giá bán tại Pico không thể so sánh với giá tại các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài do Pico nhập hàng chính hãng, giá bán theo giá đề xuất bán lẻ của hãng. Để có giá tốt cho khách hàng, siêu thị dành một phần từ việc được chiết khấu lại do đơn đặt hàng lớn và từ quỹ marketing. Tuy nhiên, nếu đơn vị nào bán phá giá quá sẽ bị nhà cung cấp cắt nguồn hàng do ảnh hưởng đến việc tiêu thụ chung.

Bên cạnh Pico, Hapro cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong thực hiện chương trình “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng”. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc điều hành Hapro cho biết: Hapro đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô tại 41 siêu thị, cửa hàng trong hệ thống bán lẻ gồm: chuỗi siêu thị, Hapro mart, chuỗi cửa hàng rau – thực phẩm an toàn Hapro Food, nhà hàng dịch vụ Hapro bốn mùa… mức chiết khấu lên đến 15% tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng, kim khí điện máy…

Đặc biệt, Hapro tham gia 4 điểm vàng gồm: Trung tâm mua sắm Hapro 102 Thái Thịnh – Đống Đa; Siêu thị Hapromart C12 Thanh Xuân Bắc; Siêu thị Hapromart số 2 Ngô Xuân Quảng; Siêu thị Hapromart Haprofood 51 Lê Đại Hành. Với các chương trình khuyến mại giảm giá ít nhất 15% cùng quà tặng… trong ngày Vàng 15-3. Tỷ lệ hàng hóa do Việt Nam sản xuất tại hệ thống bán lẻ của các đơn vị trong Tổng công ty tham gia chương trình chiếm từ 85-90%.



Nhờ triển khai mạnh chương trình trên doanh thu của Hapro từ đầu tháng 3 tới ngày 22-3 đạt khoảng 25,5 tỷ đồng, tăng 10-12% so với tháng 2-2013. Hiện Hapro chưa nhận được vụ việc nào khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ trên hệ thống toàn Tổng công ty.

Bên cạnh đó, bà Hiền nêu rõ, trong thời gian tới, Hapro cam kết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình theo đăng ký với Sở Công thương như niêm yết giá cả, chất lượng sản phẩm, chương trình khuyến mại… Hơn nữa, Hapro cũng chủ động tăng cường công tác truyền thông tới người tiêu dùng… Hapro mong muốn Ban Tổ chức hơn đối tượng doanh nghiệp tham gia chương trình (đặc biệt là các nhà sản xuất) để mạng lại những hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng.

Sau buổi làm việc với các doanh nghiệp, đánh giá sơ bộ về việc triển khai “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng” do TP Hà Nội phát động triển khai trong tháng 3-2013, ông Phan Tiến Bình- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay: Sau gần 1 tháng phát động, kết quả của chương trình đạt được rất tốt. Cơ quan thường trực nhận thấy thông tin đến người tiêu dùng và cơ quan quản lý, nhà sản xuất đã có kết nối. Trên tổng đài 1081 đã có hơn 2.150 cuộc gọi, xử lý hỗ trợ tư vấn trên 240 cuộc.

Trong đợt này, các doanh nghiệp đã đồng hành với quyền của người tiêu dùng thông qua hàng loạt chương trình bảo vệ quyền lợi, tăng cường khuyến mại, bảo hành, giảm giá… Bên cạnh đó, doanh số của nhà sản xuất, nhà phân phối cũng đã tăng hơn thường lệ.

Trong thời gian tới, Ban Tổ chức chương trình sẽ tập trung vào các vấn đề như: nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên tuyền trên 3 trục: người tiêu dùng – nhà sản xuất, dịch vụ – cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan trực tiếp đến quyền lợi cuả người tiêu dùng. Ban Tổ chức cũng sẽ mở tiếp các đợt tập huấn, tìm hiểu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh đến các cơ sở (trong tháng 3 này đã có trên 4500 người tiêu dùng tham gia vào cuộc thi tìm hiểu về Luật). Ngoài ra, Sở Công thương cũng báo cáo thành phố, xử lý giải quyết những khiếu nại thắc mắc thông qua 3 cấp: quận huyện – thành phố – Bộ Công thương để người tiêu dùng thực sự được hưởng 8 quyền của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Bình cho biết thêm: Luật mới đi vào cuộc sống được 2 năm, trong quá trình triển khai thực hiện còn có sự nhận thức của doanh nghiệp, nhà sản xuất, dịch vụ, cơ quan… ảnh hưởng đến 8 quyền của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng cũng chưa hiểu hết về 8 quyền của mình nên thời gian tới, ngoài siêu thị, trung tâm thương mại, tại các chợ truyền thống, điểm bán lẻ nhỏ cũng được thông tin về 8 quyền của người tiêu dùng để từ đó họ nắm bắt được và phản ánh đến những cơ quan có trách nhiệm về những hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng.

Hơn nữa, trong tháng tháng hành động này mới có 2000 sản phẩm tham gia thực hiện các chương trình vì quyền lợi người tiêu dùng, nhưng trong cuộc sống hàng ngày còn hàng chục ngàn sản phẩm khác…; các ngành xây dựng, giao thông, y tế, nông nghiệp… cũng cần vào cuộc, ông Bình phản ánh thêm.

Lan Hương