Phát triển công nghiệp vi mạch: Vừa mừng vừa lo

Xe++ - Ngày đăng : 06:51, 27/03/2013

(HNM) - Năm 2013, TP Hồ Chí Minh xác định công nghiệp vi mạch bán dẫn là một trong những ngành trọng tâm nhằm đưa công nghệ cao phát triển.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh phấn đấu phát triển CNVM trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng từ 20 đến 30%/năm; thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia và ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp khoa học, công nghệ hoạt động trong lĩnh vực này.

Các sản phẩm vi mạch được chế tạo tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.


Theo Ban chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh, chương trình phát triển CNVM tổng thể năm 2013 bao gồm 7 dự án và đề án được triển khai đồng bộ, gồm: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; ươm tạo doanh nghiệp CNVM và hệ thống nhúng; phát triển thị trường vi mạch điện tử; chương trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển CNVM; dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch và xây dựng nhà thiết kế (Design House).

Bước đi đầu tiên trong năm 2013, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng và triển khai dự án nghiên cứu sản xuất chip wifi 4G thương mại; vi mạch ứng dụng cho giao thông; linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (QCM - Quatz Crystal Microbalance); chíp xử lý 32 - bit VN 1632; chip quản lý năng lượng đầu tiên tại Việt Nam; cảm biến áp suất; cảm biến gia tốc…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kế hoạch phát triển CNVM của thành phố đã được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng có quá nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách đã khiến cho ngành này tụt lại phía sau. Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cho biết, từ năm 2006 đã nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu các chính sách hỗ trợ, trong khi các thủ tục pháp lý vẫn chưa thực sự thống nhất.

Hiện nay, trong số 7 dự án và đề án trên của Chương trình phát triển vi mạch TP Hồ Chí Minh, mới chỉ có 4 dự án hoàn tất khâu thủ tục, 3 dự án và đề án còn lại vẫn phải chờ tháo gỡ cơ chế. Từ đó, ông Nguyễn Văn Thọ cho rằng để thành công, điều cốt lõi vẫn là xây dựng cho được nhà máy sản xuất vi mạch, với công suất 6.000 wafer (tấm silicon mỏng đã được cấy các vật liệu vi mạch/tháng), với doanh thu 90 triệu USD/năm. Khi thị trường phát triển, sẽ xem xét đầu từ nâng cao công suất của nhà máy lên gấp đôi, tức 144.000 wafer/năm, doanh thu 180 triệu USD/năm. Muốn vậy, thành phố cần xây dựng được cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phát triển. Cụ thể, phải quy hoạch khoảng 6.000m2 đất nhằm xây dựng nhà máy; xây dựng cơ sở hạ tầng về thiết kế vi mạch, thư viện, lõi IP (bản thiết kế vi mạch thực hiện được chức năng cụ thể và thành phần tạo nên chíp điện tử), đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…; đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên… hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

Ông Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thành phố phải là đơn vị đầu tàu hỗ trợ về các chính sách và cơ chế phát triển. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ khó lòng yên tâm làm ăn vì khi xây dựng và đầu tư dự án cần nguồn vốn lớn trong khi các rủi ro về đầu ra cho thị trường cũng không nhỏ.

Gia Bảo