Sự tương đồng của nhiều thế hệ

Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 27/03/2013

(HNM) - Giải thưởng Văn hóa mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh lần thứ VI năm 2012 sẽ chính thức được trao vào 19h ngày 29-3 tại TP Hồ Chí Minh.


Có mấy điều đáng chú ý khi nói về giải thưởng năm nay. Nhìn vào 6 cá nhân đoạt giải thì thấy rõ sự tương đồng của nhiều thế hệ. Mặc dù khoảng cách giữa người cao tuổi nhất và người trẻ nhất là hơn nửa thế kỷ nhưng ở họ có nhiều điểm chung. Đó là những đóng góp có tính chất học thuật, mang tầm vóc quốc tế, có ảnh hưởng rõ nét trong xã hội. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, hiện là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao sớm giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 6 cho nhà Việt Nam học Philippe Langlet vào ngày 21/3 vừa qua tại Paris
(ảnh: Thùy Vân)


Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục được trao cho bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, do những hoạt động hiệu quả góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng nước nhà. Còn Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Vũ Đức Hiếu được vinh danh bởi những nỗ lực xuất sắc nhằm góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mường, đồng thời thúc đẩy phát triển nghệ thuật Việt Nam đương đại. Năm nay, Giải Dịch thuật chọn được hai đại diện là ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển - những người lặng thầm mang tinh hoa nhân loại về cho người Việt. Với tiêu chí chỉ chọn những nhà nghiên cứu nước ngoài có công giới thiệu về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế, Giải Việt Nam học đã vinh danh nhà sử học Pháp Phillippe Langlet - người bạn chung thủy của Việt Nam.

Như mọi năm, tính phát hiện của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh luôn là điều được quan tâm. Trao đổi với Hànộimới, GS Chu Hảo, Phó Chủ tịch điều hành Quỹ, nhấn mạnh: Trường hợp GS Lê Thành Khôi (sinh năm 1923 tại Hà Nội) - một nhà bác học bao quát nhiều lĩnh vực: Lịch sử, văn chương, địa lý, kinh tế, giáo dục, triết học, mỹ học… Ông sang Pháp học từ năm 1947, từng làm việc tại nhiều đơn vị nghiên cứu, giảng dạy uy tín ở các nước trên thế giới. GS Lê Thành Khôi được xem như "nhà chiêm bái khắp các nền văn minh từ Đông sang Tây" và cuốn sách "Histoire du Việt Nam" là tác phẩm đầu tay của tất cả những ai từng nghiên cứu về Việt Nam. Ông hiện nghỉ hưu tại Pháp. Những cống hiến của ông cho văn hóa, khoa học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là những cống hiến bác học, to lớn và lặng thầm.

Bên cạnh những thành công của giải thưởng năm nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cũng chia sẻ những dự định nhằm biến áp lực thành động lực để duy trì giải với chất lượng ngày một tốt hơn. Động thái đáng chú ý là bổ sung nhân lực cho Hội đồng khoa học của Quỹ (trực tiếp xét giải), trong đó có hai nhà kinh tế trẻ là Nguyễn Đức Thành và Vũ Thành Tự Anh. Quỹ cũng khẳng định sẽ vẫn duy trì quy chế xét chọn được coi là có thể hạn chế nhiều đối tượng dự giải nhưng bảo đảm sự chặt chẽ và phù hợp với quy mô. Đó là các đề cử đều phải do thành viên của Hội đồng khoa học, hoặc những người đã từng đoạt giải của Quỹ giới thiệu. Giải chỉ tôn vinh các hoạt động và những công trình đạt tầm quốc tế, được thẩm định trong giới chuyên môn, cũng như được cộng đồng ghi nhận. Một câu chuyện "muôn năm cũ" khác là huy động và xây dựng kinh phí Quỹ cũng đang được tiến hành theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Thi Thi