Trung Quốc: Khẳng định vị thế tại Lục địa đen

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 27/03/2013

(HNM) - Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm LB Nga, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã chọn 3 nước Châu Phi làm điểm đến tiếp theo...


Nếu chuyến công du 3 ngày tới Nga đã tiếp thêm sinh khí cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, 3 điểm đến tại Châu Phi lại thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bắc Kinh trong nỗ lực khẳng định vị thế tại Lục địa đen. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Phi.


Là chặng dừng chân đầu tiên tại Châu Phi, sự hiện diện của nhà lãnh đạo đất nước hơn 1,3 tỷ dân tại thủ đô Dar es Salaam chiều 24-3 cho thấy, Tanzania có tầm quan trọng như thế nào trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc ở châu lục chiếm hơn 20% diện tích của thế giới. Với kim ngạch thương mại song phương đạt 2,47 tỷ USD năm 2012, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania và là nguồn đầu tư lớn thứ hai tại quốc gia bên bờ biển đông Phi, sau gần 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Với những ngôn từ không thể hay hơn về Châu Phi của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá đây là "lục địa của niềm hy vọng và hứa hẹn" và mô tả các nhà lãnh đạo Châu Phi như "những người bạn thân thiết" dự báo ưu tiên của Trung Quốc với châu lục này. 16 thỏa thuận hợp tác - vừa được Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete ký kết - trên một loạt lĩnh vực như thương mại, văn hóa và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng một trung tâm văn hóa Trung Quốc… là một minh chứng rõ ràng cho sự hiện diện mạnh mẽ của Bắc Kinh tại châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Chặng dừng chân thứ hai không kém phần quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là Nam Phi, với tâm điểm là Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra hai ngày (26 và 27-3) tại thành phố cảng Durban. Khẳng định Trung Quốc và Nam Phi đều là những nước đang phát triển và là nền kinh tế mới nổi năng động có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu ngay sau khi đặt chân tới thành phố Johannesburg đã nhấn mạnh, tăng cường quan hệ hai nước còn có ý nghĩa đặc biệt với sự hợp tác của các nước đang phát triển. Song, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận là Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 5 với chủ đề "BRICS và Châu Phi: Đối tác vì phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa". Với kim ngạch thương mại giữa BRICS và Châu Phi dự kiến tăng từ 340 tỷ USD năm 2012 lên hơn 500 tỷ USD vào năm 2015, cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và chủ nhà Nam Phi tại Durban được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy hợp tác BRICS với Châu Phi mà còn cho thấy vị thế mới của Lục địa đen trên trường quốc tế.

Không nằm ngoài mục đích khẳng định và mở rộng tầm ảnh hưởng tại Châu Phi, chuyến công du Tanzania, Nam Phi và Congo của Chủ tịch Tập Cận Bình còn xuất phát từ nhiều nguyên do khác. Có quá nhiều lý do và điểm chung khiến Trung Quốc và Lục địa đen - có số dân lớn thứ hai thế giới - ngày càng xích lại gần nhau. Giữa lúc Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tài nguyên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi Châu Phi lại lựa chọn Trung Quốc để thỏa mãn cơn khát hàng giá rẻ và xuất khẩu lao động. Con số 200 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - Châu Phi đạt được năm 2012 đã phần nào nói lên sự hợp tác kinh tế sôi động này.

Các báo cáo gần đây cho thấy, Châu Phi sẽ chiếm khoảng 12% nguồn cung dầu mỏ thế giới trong vài năm tới. Không những thế, châu lục này còn là một thị trường lớn, có mức tăng trưởng kinh tế nhanh, với gần 1 tỷ dân sinh sống ở 55 quốc gia (chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới). Trong bối cảnh Mỹ, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu (EU) đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại Lục địa đen, chắc chắn Trung Quốc không thể bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể. Khoản cam kết hỗ trợ 20 tỷ USD trên phương diện tín dụng cho các quốc gia Châu Phi trong giai đoạn 2013-2015 vừa được Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tại Tanzania có lẽ sẽ khỏa lấp phần nào những nghi kỵ bấy lâu rằng, Trung Quốc đến Châu Phi chỉ để khai thác tài nguyên.

Đình Hiệp