Nổi cộm trong quản lý tiền công đức: Từ khoán thu đến thương mại hóa
Đời sống - Ngày đăng : 06:07, 27/03/2013
Công đức tràn lan
Chuyện đặt hòm công đức và sử dụng tiền công đức sao cho hợp lý đã được bàn nhiều. Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích, trong đó quy định rõ: "Mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức". Tuy nhiên, trên thực tế gần như không có di tích nào thực hiện.
Số tiền công đức khổng lồ hằng năm cần được quản lý, sử dụng hợp lý. Ảnh: Đàm Duy |
Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, khách thập phương về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) hành lễ, "xin, vay" thường tấp nập. Tận dụng cơ hội có một không hai này, hòm công đức, đĩa tiền giọt dầu được đặt ở khắp nơi. Một số đối tượng đặt cả hòm công đức giả trước sân hành lễ để trục lợi bị dư luận phản ánh, Thanh tra Bộ VH,TT&DL phải vào cuộc. Tình trạng lạm dụng hòm công đức cũng diễn ra tại đền Trần (Nam Định). Ngoài các bàn ghi công đức, du khách về đền Trần dễ dàng nhận thấy hàng chục hòm công đức, hòm "tiền dầu nhang nhà đền" tại các khu thờ chính, ban điện thờ. Nghĩa là, đền Trần có ít nhất ba khoản thu công đức. Tại Tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), mỗi ban, điện thờ có ít nhất một hòm công đức. Đại diện Ban quản lý Khu di tích và danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, năm 2012, nhà chùa báo số tiền công đức thu được khoảng 20 tỷ đồng, nhưng toàn bộ số đó thuộc sự quản lý của chùa việc chi tiêu do Ban xây dựng nhà chùa sử dụng theo quy định.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn phát hiện có hiện tượng khoán thu ở di tích đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An). Những năm trước, mức khoán là 600 triệu đồng, năm 2012 là 900 triệu đồng. "Biết thu được bao nhiêu mà khoán và vì bị khoán nên những người tham gia quản lý di tích buộc phải nghĩ ra nhiều cách thương mại hóa để vượt khoán. Cứ như thế, sai phạm nối tiếp sai phạm làm cho nguồn công đức bị biến tướng, lòng tin của người công đức cũng bị giảm sút" - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ngô Hoài Chung nhận xét.
Quản thế nào?
Hiện nay, mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, có di tích do Nhà nước quản mà đại diện có thể là UBND, Sở VH,TT&DL, Ban quản lý di tích và danh thắng, có di tích do các hội, đoàn thể quản lý như hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận Tổ quốc… cũng có nơi do sư trụ trì, thủ từ quản lý, cho nên tiền công đức được thu, chi, quản lý, sử dụng khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2013, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một chương dành riêng cho việc hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền công đức.
Trong khi đợi thông tư, chờ hướng dẫn thì một số địa phương đã tìm ra mô hình quản lý, sử dụng tiền công đức phù hợp, được dư luận đánh giá cao. Điển hình, quy trình quản lý chặt chẽ, nghiêm túc của đền Cửa Ông (Quảng Ninh) không để thất thoát một đồng tiền công đức nào của du khách về phát tâm tại đền. Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó trưởng Ban quản lý di tích đền Cửa Ông cho biết: "Đền có tổ thủ từ, gồm hơn 10 thành viên, thường xuyên trực tại các điểm lễ chính, hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định, đồng thời thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu bỏ vào các hòm công đức. Lực lượng làm công việc kiểm két có 16 thành viên, gồm đại diện ban quản lý di tích, mặt trận Tổ quốc, thanh tra nhân dân, tổ thủ từ, kế toán, bảo vệ an ninh trật tự... Tiền sau khi mở két được chuyển về BQL kiểm kê tại chỗ. Các thủ tục sau đó như lập biên bản, viết biên lai, nộp ngân sách đều được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, theo đúng quy định. 100% nguồn thu từ tiền công đức tại đền đều được sử dụng phục vụ đầu tư tu bổ di tích, xây dựng công trình hạ tầng, không sử dụng để chi cho các công việc khác". Tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, tấm biển quy định các nội dung về tiếp nhận công đức được đặt ngay tại các bàn ghi công đức, có các số điện thoại nóng của lãnh đạo khu di tích, sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của khách hành hương.
Đặc biệt, chùa Tiêu (Bắc Ninh) mấy chục năm không đặt hòm công đức nhưng đèn nhang vẫn được duy trì thường xuyên, nhiều hạng mục vẫn được tu sửa khang trang. Khi cần kinh phí tu bổ, xây dựng chùa, nhà chùa báo cáo với địa phương và thực hiện lễ phát tâm đơn giản, sau khi nhận đủ tiền tu bổ, nhà chùa kính cáo hết thời hạn công đức.
Đến di tích lịch sử, văn hóa hành hương, chiêm bái và phát tâm công đức là nét văn hóa đẹp của người Việt. Bố trí hòm công đức và điểm ghi nhận công đức thuận tiện không trái với lẽ thường. Dư luận chỉ băn khoăn rằng, số tiền công đức khổng lồ, lên tới 297,8 tỷ đồng trong năm 2012 như thống kê (chưa đầy đủ) của Bộ VH,TT&DL, được quản lý ra sao, có thật sự được sử dụng cho những việc làm có ý nghĩa tốt đẹp hay không?