Phải ưu tiên công nghiệp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 26/03/2013
Thương hiệu Việt "lép vế"
Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã ban hành Quyết định phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020", trong đó, đánh giá cao sự cần thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học. Nhưng đến nay công nghiệp hỗ trợ vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện nay, phần lớn linh phụ kiện, nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Trên thực tế, chỉ một vài nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp linh phụ kiện đáp ứng yêu cầu của DN lắp ráp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Công ty Daihatsu (Nhật Bản) từng sang Việt Nam tìm nhà cung cấp ốc vít nhưng không thể chọn được DN đạt chuẩn quốc tế. Canon mất một thời gian dài mới tìm được nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ, nhưng 90% số đó là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Chất lượng công nghiệp hỗ trợ thấp làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, đặc biệt là loại hàng điện tử gia dụng, máy tính cá nhân, điện thoại di động. Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) đang đầu tư khá nhiều vào Việt Nam, song họ thường lập hệ thống sản xuất linh phụ kiện đi kèm với nhà máy lắp ráp, hoặc nhập khẩu. Sự kiện Intel đầu tư vào Việt Nam được hy vọng là nhân tố kích thích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là khi Intel công bố đóng cửa hai nhà máy ở Malaysia và Philippines. Song Intel cho biết có chưa tới 10% nguyên liệu sản xuất được mua từ DN Việt Nam.
Lúng túng trước cơ hội
Ngành điện tử, với xuất phát điểm từ lắp ráp đơn giản, chuyển sang nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm thương hiệu Việt Nam và sản xuất phụ tùng linh kiện, đến nay đã đủ khả năng thỏa mãn thị trường nội địa hàng điện tử dân dụng và xuất khẩu tới 35 nước. Từ một số DN nhỏ và vừa, cả nước đã có khoảng 300 DN, trong đó 1/3 số DN có vốn đầu tư nước ngoài. Gia nhập WTO, DN điện tử, đặc biệt là điện tử gia dụng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa cao là dấu hiệu của một nền kinh tế chủ động về nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện và các sản phẩm trung gian.
Việt Nam đã thu hút được những dự án đầu tư lớn như dự án của hãng Intel (Mỹ) 1 tỷ USD, dự án sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao của hãng Foxconn (Đài Loan) 5 tỷ USD và một số dự án khác từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Một số nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển cơ sở sản xuất từ các nước trong khu vực về Việt Nam. Đó là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, đứng trước cơ hội đó, các DN và cả nhà quản lý lại tỏ ra lúng túng. Cho đến nay, Việt Nam hầu như chưa có một cơ sở nào tham gia sản xuất vật liệu điện tử. Trong lĩnh vực linh kiện, một vài cơ sở hoạt động với mức đầu tư lớn, nhưng chỉ sau một thời gian phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không có thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân bởi công nghệ lạc hậu, việc nghiên cứu phát triển còn kém nên giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 10-15%, khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao. Theo Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện chậm phát triển, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước, hàm lượng lao động Việt Nam trong sản phẩm điện tử chỉ chiếm khoảng 5-10% giá trị sản phẩm.
DNNN hoạt động trong lĩnh vực điện tử dân dụng và chuyên dụng đang chiếm khoảng 80% thị phần trong nước và 95% kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy ngành hàng được coi là tiềm năng và mũi nhọn này đang do DNNN đầu tư, khai thác là chủ yếu. Theo nhiều chuyên gia, nếu không sớm tìm giải pháp trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp, Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn chứ không phải nhà sản xuất lớn, tạo giá trị gia tăng bền vững như kỳ vọng.