Nhìn lại và suy ngẫm (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 26/03/2013
11h00 ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng số hiệu 390 của Lữ đoàn 203 húc bật tung cánh cổng Dinh Độc Lập, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng trên nóc sào huyệt cuối cùng của địch. Một tiếng sau, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa đọc lời tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn. Đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Chưa hết bàng hoàng vì thất bại, Chính phủ Mỹ đã áp đặt và duy trì lệnh cấm vận, gây nhiều khó khăn cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Qua bốn đời Tổng thống Mỹ (Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George Bush (cha)), đến đời Tổng thống Bill Clinton, quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ mới trở lại bình thường. Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận Việt Nam. Từ đó, nhiều cựu quân nhân Mỹ đã trở lại mảnh đất từng gắn bó với số phận của họ. Họ trở lại Việt Nam bằng nhiều con đường, trên những cương vị khác nhau nhưng đều chung một mục đích, một tâm nguyện: Góp phần sửa chữa sai lầm của quá khứ, tìm đến những giá trị nhân bản, xây dựng và vun đắp mối quan hệ giữa hai nước tốt đẹp hơn.
Ngày 30-4-1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.Ảnh tư liệu |
Người Hà Nội hẳn chưa quên câu chuyện về phi công John Sidney McCain. Ngày 26-10-1967, viên Thiếu tá phi công của Hải quân Hoa Kỳ bay vào đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ. Đây là lần thứ 23 anh ta bay vào vùng trời miền Bắc. Chiếc máy bay phản lực A-4C Skyhawk (Chim ưng nhà trời) bị Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 tên lửa bắn rơi. McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, được vớt lên với chân phải và hai tay bị gãy và đưa đến Bệnh viện Quân y 108 chữa trị. Tháng 3-1973, John McCain đệ tam (con trai và cháu nội của hai ông tướng 4 sao Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương) được trao trả. Trở thành Thượng nghị sỹ bang Arizona, J.McCain đã trở lại Việt Nam thăm nơi giam giữ ông ta suốt hơn 5 năm trời, là người tích cực thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tháng 4-2009, J.McCain sang Việt Nam, đề xuất tăng cường liên hệ quân sự giữa hai nước. Năm 2008, khi ông đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ với ứng viên đảng Dân chủ B.Obama, Trại giam Hỏa Lò Hà Nội và ông Đại tá Trại trưởng Trần Trọng Duyệt bỗng nổi tiếng, được các hãng thông tấn phương Tây săn đón moi tin về những ngày ngồi tù của ngài ứng viên Tổng thống.
Ngày 4-3-1997, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc cử Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Người được chọn là Douglas Brian (Pete) Peterson, có thân phận đặc biệt, gắn với cuộc chiến tranh Việt Nam. P. Peterson, gốc Thụy Sỹ, sinh ngày 26-6-1935 tại tiểu bang Florida, là phi công đã nhiều lần ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 10-9-1966, P. Peterson lái chiếc "Con ma" F4 bay vào đánh phá cầu Phú Lương và cầu Lai Vu trên quốc lộ 5 thuộc tỉnh Hải Dương, bị tên lửa Sam 2 bắn hạ. Vị đại sứ sau này phải nhảy dù xuống cánh đồng thôn An Đoài, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bị anh nông dân Nguyễn Văn Chộp bắt giữ. Sáu năm rưỡi "làm khách" tại buồng số 2, Khu 1 Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, P.Peterson được đối xử nhân đạo và ngày 4-3-1973 ông ta được trao trả theo Hiệp định Paris. Trở về Mỹ, P.Peterson tiếp tục phục vụ trong quân đội. Năm 1981, Đại tá P.Peterson về hưu, bắt đầu tham gia chính trường, là Hạ nghị sỹ, tham gia Nhóm nghị sỹ vận động cho vấn đề Việt Nam. Năm 1991, ông ta trở lại Việt Nam trong Đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ khảo sát Chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (Chương trình MIA)…
Ngày 3-5-1997, Đại sứ P.Peterson đến Hà Nội nhận nhiệm vụ Đại sứ. Ông thuê căn hộ không có cửa sổ ở phố Yết Kiêu, ngày ngày đạp xe đi làm. Một thời gian sau, ngài đại sứ mua chiếc xe máy Dream II, nộp đơn xin thi và đỗ bằng lái xe hạng A1, trở thành "tay lái lụa" trên đường phố Hà Nội. Ông khoe chưa bao giờ va chạm trên đường. P.Peterson thích ăn phở, đi dạo phố, ghé quán nước chè… Ông đã về thôn An Đoài thăm lại lão nông Nguyễn Văn Chộp và mời ông Chộp lên chơi với ông ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ công tác (1997-2001), Đại sứ P.Peterson đã đến 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, có đóng góp quan trọng thúc đẩy quá trình thương lượng và ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt-Mỹ, góp phần giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh như chất độc da cam/dioxin, bom mìn còn sót lại... Giáng sinh năm 1997, ông đính hôn và ngày 23-5-1998 ông cưới bà Vy Le, người gốc Việt, là Cao ủy Thương mại Australia tại Việt Nam. Sau khi mãn nhiệm, P.Peterson tiếp tục hoạt động cho mối bang giao hai nước. Ông là Chủ tịch Ban Giám đốc Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức liên minh Vì sự an toàn trẻ em (The Alliance for Safe Children - TASC). Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trên phạm vi toàn cầu và đã dành cho trẻ em Việt Nam những sự trợ giúp thiết thực. Mới đây nhất, ngày 11-3-2013, cựu Đại sứ P.Peterson và phu nhân được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen do có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố thông qua Dự án "Bơi an toàn" trị giá hơn 15 tỷ VND, giúp hơn 22.000 trẻ em được học bơi tại các hồ bơi di động, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ.
Câu chuyện cảm động hành trình về lại quê hương của cuốn nhật ký của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm sau 35 năm lưu lạc là minh chứng sinh động cho niềm khao khát hàn gắn những nỗi đau chiến tranh, tôn vinh những giá trị nhân văn đích thực của những người từng ở hai bên chiến tuyến…
Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26-11-1942 tại Huế, lớn lên ở Hà Nội, cha là bác sỹ ngoại khoa, mẹ là giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Chị tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1966, ngay sau đó vào chiến trường, phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Cuốn nhật ký gồm hai tập, viết từ ngày 8-4-1968 đến ngày 20-6-1970. Hai ngày sau, người con gái hiền thục kiên cường, trong sáng đến thánh thiện Đặng Thùy Trâm anh dũng hy sinh trong một trận địch đánh vào căn cứ. Cuốn nhật ký của chị được Frederic Whitehurst, sỹ quan Đại đội tình báo 635 M.I.D (Military Intelligence Detachment), Lữ đoàn 11, Sư đoàn Bộ binh số 23 Americal Mỹ nhặt được và giữ lại theo lời khuyên của viên Thượng sỹ phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu: "Fred, đừng đốt, trong cuốn sổ này đã có lửa rồi". F.Whitehurst từng thổ lộ: "Chị ở bên kia chiến tuyến với tôi nhưng những lời của chị làm tim tôi đau đớn. Chị là Anne Frank của Việt Nam. Tôi biết cuốn nhật ký này sẽ đi đến khắp nơi trên thế giới". (Anne Frank là cô gái người Đức gốc Do Thái, sống tại Hà Lan, chết tại Trại tập trung Bensen của phát xít Đức năm 1945, khi cô 16 tuổi, để lại tập nhật ký nổi tiếng thế giới như biểu tượng của khát vọng sống, yêu tự do, hòa bình, chống lại chiến tranh và nạn diệt chủng…).
Sau khi về Mỹ, F.Whitehurst nhận học vị Tiến sỹ Hóa học tại Trường Đại học Tổng hợp Duke và Trường Đại học Tổng hợp Georgetown, năm 1982 vào làm việc tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), là chuyên viên giám sát đặc biệt tại Phòng thí nghiệm tội phạm của FBI từ năm 1986 đến 1998. Cuốn nhật ký mà ông nhặt được bên xác người nữ du kích bé nhỏ trở thành một di vật tâm linh có tính định mệnh với cuộc đời ông. Cùng với người anh trai Robert Whitehurst cũng là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Fred luôn đau đáu nỗi niềm trả lại cuốn nhật ký cho người thân của nữ liệt sỹ Việt cộng. Tháng 3-2005, tại cuộc hội thảo ở bang Texas, anh em nhà Whitehurst sao 24 bản copy đĩa CD cuốn nhật ký, phân phát cho các đại biểu với hy vọng có ai đó sẽ giúp ông kết nối được liên lạc. May mắn thay, nhiếp ảnh gia, cựu chiến binh Ted Engellmann, người đã nhiều lần đến Việt Nam thực hiện dự án ảnh về cuộc chiến tranh đã giúp Fred tìm được gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Tháng 7-2005, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản, mau chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo người đọc thuộc mọi lứa tuổi. Qua cuốn nhật ký, nhân dân thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, về một dân tộc kiên cường, về sự hy sinh, lòng dũng cảm, niềm tin chiến thắng, tình người và cả nỗi cô đơn của cô gái trong cuộc chiến khốc liệt. Vì thế, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra 19 thứ tiếng, trở thành hiện tượng văn học tại Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật Bản… Bộ phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng này đã đoạt Giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản). Tên của người nữ anh hùng được đặt cho Bệnh viện Đa khoa Đức Phổ, một tuyến đường du lịch lên khu di tích Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, một học bổng dành cho sinh viên y khoa và cán bộ y tế cơ sở… Tháng 8-2005, hai anh em cựu chiến binh Mỹ Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst sang Việt Nam gặp gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và được đón tiếp nồng hậu như người thân. Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của Đặng Thùy Trâm, tặng Fred cuốn nhật ký mới xuất bản với lời đề tặng: "Tặng Fred, người con mới của gia đình, với trái tim người mẹ". Hành trình trở về quê mẹ của cuốn nhật ký, tấm lòng những người cựu chiến binh Mỹ trên con đường tìm đến lương tri và những giá trị nhân văn cao cả của nhân loại đã trở thành câu chuyện huyền thoại đầy xúc động của thời hiện đại.
Người Mỹ nói chung, giới quân nhân Mỹ nói riêng đã đến, đi để rồi trở lại đất nước này trong những tư cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuối cùng, họ cũng hiểu rằng "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".