“Chiến tuyến” mới của Eurozone

Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 26/03/2013

(HNM) - Một thỏa hiệp giữa các chủ nợ quốc tế và Chính phủ Síp đã giải tỏa nguy cơ vỡ nợ đầu tiên tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Ngân hàng lớn thứ hai tại Síp, Laiki sẽ phải đóng cửa theo kế hoạch tái cơ cấu của Chính phủ.


Bất chấp việc Nicosia thẳng thừng từ chối nhận phao cứu sinh vì khoản thuế đánh vào tiền gửi tại các ngân hàng, món thuế gây phẫn nộ vẫn nằm trong thỏa ước mới. Tuy nhiên, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades cho rằng đề xuất mới là hợp lý với cả chủ nợ lẫn con nợ khi các khoản tiền dưới 100.000 euro sẽ không phải chịu thuế. Vấn đề mấu chốt để Chính phủ Síp có thể gây quỹ 5,8 tỷ euro nhằm đổi lấy hỗ trợ quốc tế sẽ chỉ hướng đến những món tiền gửi lớn hơn 100.000 euro. Theo đó, chủ nhân của các ngân khoản này sẽ buộc phải chia sẻ gánh nặng với Chính phủ trên chính khoản tiết kiệm của họ gửi ngân hàng. Cuộc đua của Síp để thoát vực thẳm phá sản cũng chỉ cán đích vào phút cuối sau khi Nicosia đồng ý đóng cửa Ngân hàng Nhân dân lớn thứ hai tại nước này (Laiki) và chuyển những khoản tiền trên 100.000 euro vốn vượt mức trần "bảo vệ" Liên minh Châu Âu (EU) sang ngân hàng số 1 là Bank of Cyprus. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng như vậy để nhận trợ giúp từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được trông đợi sẽ khiến nhà băng lớn nhất Síp trở thành ngân hàng không rủi ro.

Vậy là, "cơn sóng" mới nổi từ Địa Trung Hải đã tạm yên. Thế nhưng, sự hạ nhiệt của "điểm nóng" tài chính từ quốc gia chỉ vỏn vẹn hơn 9.200km2 không là bất ngờ lớn. Bất chấp các cuộc đàm phán đầy kịch tính đã có không ít "nhà cái" đánh cược rằng rồi cuối cùng Châu Âu và Síp sẽ đi chung một con đường vì lợi ích của cả hai bên. Bởi, sự toàn vẹn của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới khiến Lục địa già khó bỏ rơi một đất nước - hăm hở gia nhập EU từ năm 2004 - ngay trên bờ vực sinh tồn. Thảm họa này nếu xảy ra sẽ không chỉ là "ngày cuối" của Síp mà còn là sự khởi đầu cho sự ra đi được báo của nhiều thành viên và có thể đặt dấu chấm hết cho giấc mộng nhất thể hóa của EU. Ngược lại, Chính phủ của Tổng thống Anastasiades hẳn cũng không muốn thành "tội đồ" để quốc đảo du lịch biến khỏi bản đồ Eurozone. Mối quan hệ nhiều duyên nợ ấy sẽ tiếp tục là sợi dây gắn kết EU và thành viên nhỏ bé chỉ đóng góp 0,2% GDP của liên minh cho dù những biện pháp mà cả hai phải thực thi có đau đớn thế nào.

Tuy nhiên, cho đến giờ, các chủ nợ của Síp vẫn không giải thích tại sao quốc đảo này phải tuân thủ những điều kiện cứu trợ "khác người" đến vậy. Dẫu các khoản tiền gửi nhỏ vẫn nhận được EU bảo đảm nhưng sự kiện "cưỡng bức" những món tiết kiệm "có giá trị" - chiếm số lượng không ít ở các ngân hàng Síp - đã là chuyện xưa nay hiếm. Sự phẫn nộ của người dân bằng các cuộc biểu tình trên đường phố lẫn những hàng dài chủ thẻ nối đuôi nhau tại các điểm rút tiền tự động những ngày qua tại Síp cho thấy một sự thật rằng niềm tin nơi dân chúng tiếp tục xuống thấp. Bằng "Kế hoạch B" có những chi tiết mà Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cho là "quốc hữu hóa tài sản tư nhân", Chính phủ của Tổng thống Anastasiades cũng đồng thời chấp nhận một tai ương chính trị nhiều mệt mỏi.

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm và giá dầu đi lên khi tin tức về thỏa hiệp giữa Síp và EU được loan báo. Thế nhưng, sự phản ứng tức thời đó sẽ khó mà kéo dài khi Châu Âu vừa tiếp nhận một bệnh nhân mới vào "bệnh viện" nợ công. "Chiếc cọc" 10 tỷ euro nhằm cứu Nicosia khỏi chết đuối chưa thể khiến dư luận nguôi ngoai. Hoài nghi về việc liệu câu chuyện đánh thuế tiền gửi hay những kế hoạch C, D thậm chí là E… nào đó có trở thành át chủ bài của EU hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và, ngay cả những nhà tài chính khôn ngoan nhất cũng không biết chắc đáp án cho câu hỏi đó vào lúc này. Nhưng, sự thật không thể phủ nhận là sự chuyển hướng vừa xuất hiện trong phương pháp cứu hộ của EU - một quyết tâm chính trị nhằm áp chế cơn giận dữ tài chính - đã đủ giúp một thành viên lọt qua khe cửa hẹp để thoát cuộc khủng hoảng đã ở ngay trước mặt mang tên đảo Síp.

Tuy thoát vỡ nợ nhưng Síp lại buộc phải đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng về xã hội và lòng tin. Thế nên, vì rất nhiều lý do, đảo quốc tại Địa Trung Hải đang hội đủ các yếu tố để xứng đáng là một "chiến tuyến" mới của Eurozone trong cuộc chiến chống nợ công mà những thử nghiệm không được phép thất bại để Lục địa già có thể tìm lại vinh quang của nó.

Vân Khanh