Phong cách của cán bộ đoàn thời kỳ mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:16, 26/03/2013
Cán bộ Thị đoàn Sơn Tây ứng dụng công nghệ thông tin truy cập các hoạt động đoàn cơ sở. Ảnh: Bá Hoạt |
Thực tế hiện nay, cán bộ đoàn nhiều nơi còn yếu về kỹ năng nghiệp vụ và có biểu hiện lệch chuẩn về quan điểm, lối sống, đạo đức và kỷ luật. Đâu đó đã xuất hiện hiện tượng "quan Đoàn", tính cơ hội trong một bộ phận cán bộ đoàn. Tại buổi tọa đàm "Phong cách cán bộ đoàn thời kỳ mới" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đầu tháng 3-2013, Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn Nguyễn Hồng Hải thẳng thắn thừa nhận, tật xấu của một bộ phận cán bộ đoàn hiện nay là giờ giấc chưa nghiêm, tác phong chưa nhanh nhẹn, làm việc chưa khoa học, còn tùy hứng; tinh thần, ý thức chưa cao. Nhiều cán bộ đoàn quan liêu trong công việc, xa rời thực tiễn, nặng lý thuyết, thiếu gần gũi, sâu sát với công việc, thanh niên. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ đoàn dần mất tinh thần lăn xả, đi đầu, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, thậm chí có tình trạng và không hiếm cán bộ đoàn cấp trên đùn đẩy trách nhiệm cho cán bộ đoàn cấp dưới, cán bộ đoàn đổi lỗi cho đoàn viên. Theo anh Nguyễn Hồng Hải, ngoài sáng tạo, nhân rộng cách làm hay, bài học đầu tiên mỗi cán bộ đoàn hiện nay là phải gương mẫu trong mỗi công việc thường ngày. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ phải chăm đến cơ sở, tăng thời gian tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên.
Theo quan điểm của Bí thư Quận đoàn Hà Đông Nguyễn Thị Nhã, để làm một thủ lĩnh đoàn giỏi thì bản thân cán bộ phải hơn thanh niên nhiều mặt, về cả trình độ, năng lực, kiến thức và khả năng xây dựng hình ảnh bản thân để thanh niên nhìn nhận, noi theo. Trao đổi sâu về định hình tiêu chí cán bộ đoàn cấp quận, huyện, Bí thư Quận đoàn Hà Đông cho rằng, cán bộ nào cũng cần phải đa phong cách. Trước lãnh đạo địa phương phải thể hiện phong cách chững chạc, trách nhiệm với công việc được giao để tạo sự tin tưởng; trước cấp dưới phải thể hiện cái uy gắn với thái độ niềm nở, gần gũi; tiếp xúc với thanh niên thì phải đa năng, nhập cuộc, trò chuyện và nhiệt tình. Cụ thể hơn, khi tiếp xúc với học sinh, sinh viên thì phải có phong cách tươi trẻ, có hiểu biết về công nghệ thông tin, kiến thức giới, khả năng tư vấn về tình yêu, sức khỏe; tiếp cận với thanh niên LLVT thì phải chuẩn chỉ; tiếp cận với thanh niên địa bàn dân cư thì phải am hiểu đặc điểm của địa phương, có kỹ năng trao đổi, đối thoại, giải thích, hướng dẫn về học tập, việc làm. Tóm lại, cán bộ đoàn hiện nay phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm; chứ không phải chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh. Bản thân mỗi người phải thật sự bắt tay vào công việc".
Trao đổi, bàn luận cụ thể hơn về tính sáng tạo, gương mẫu, trách nhiệm, dám nghĩ, biết làm, gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên của cán bộ đoàn, Tạ Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội cho biết, phải nêu cụ thể, chi tiết thì mới dễ học tập, làm theo. Nói sáng tạo, gương mẫu, nhưng phải chỉ được rằng, ngoài gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của cơ quan, đơn vị, thì cần có giao tiếp, ứng xử văn hóa (hội họp đúng giờ, vắng hoặc đến muộn phải thông báo lý do) để thanh niên học tập, làm theo. Thêm nữa, kỹ năng xã hội như khiêu vũ, ca hát, khuấy động trò chơi tập thể rất cần thiết trong phong cách cán bộ đoàn hiện nay. Đặc biệt, việc giỏi nắm bắt các kênh thông tin, trao đổi, phản biện, xem thanh niên phản ứng, bày tỏ về hiện tượng, vụ việc gì đó, từ đó hiểu họ cần gì, nghĩ gì để định hướng tuyên truyền, giúp đỡ.
Quy chế cán bộ đoàn đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành và đang được các cấp ủy Đảng, các cấp bộ đoàn ở Thủ đô thực hiện, song vẫn còn nhiều bất cập, cả về độ tuổi, trình độ, năng lực công việc. Trong lúc thực hiện chính sách về cán bộ đoàn còn nhiều bất cập, khó khăn, Thành đoàn Hà Nội đã sáng tạo chỉ đạo các cấp bộ đoàn tổ chức tọa đàm về phong cách cán bộ đoàn trong thời kỳ mới là sự nhanh nhạy và trúng trong thời điểm hiện nay. Thiết nghĩ, ngoài lựa chọn những người trẻ có năng lực, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói thì phải làm, trăn trở với những vấn đề của thanh niên, gắn bó với thanh niên, thường xuyên trao đổi và đối thoại với thanh niên, thì Thành đoàn Hà Nội cũng cần tham mưu cho Thành ủy Hà Nội tổ chức chương trình đào tạo bắt buộc đối với các chức danh cán bộ đoàn để trang bị những kiến thức mà xã hội cần ở người cán bộ đoàn. Bởi "Cán bộ nào, phong trào ấy".