Thành công ngoài mong đợi
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 25/03/2013
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi bước vào hội đàm. |
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử quan hệ không ít thăng trầm giữa hai nước, việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình chọn Mátxcơva là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc cho thấy, Nga luôn có vị trí đặc biệt trong chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh. Là hai thành viên chủ chốt của Liên hợp quốc cũng như một loạt diễn đàn đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) mà Nga đang giữ chức Chủ tịch luân phiên (năm 2013) và Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… củng cố quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung có ý nghĩa to lớn không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trên bình diện toàn cầu. Đây là mối quan tâm chung của Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, cùng một loạt vấn đề khác như hợp tác kinh tế và thương mại, năng lượng và đầu tư, hợp tác công nghệ và công nghiệp…
Mối quan hệ Mátxcơva - Bắc Kinh "tăng tốc" từ năm ngoái sau khi ông V.Putin chọn Trung Quốc là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 3. Sự đáp lại của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là nỗ lực của hai cường quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng chung trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng sự thay đổi chiến lược đối ngoại Mỹ gần đây dường như là một "đòn bẩy" tự nhiên giúp Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, nhất là trong hợp tác kinh tế - thương mại. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Trung tăng hơn gấp đôi, từ 40 tỷ USD trong năm 2007 lên 87,5 tỷ USD trong năm 2012, và Trung Quốc luôn giữ vị trí số một trong danh sách các đối tác thương mại của Nga. Hai bên nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch lên mức 100 tỷ USD trước năm 2015 và 200 tỷ USD trước năm 2020.
Cùng với hợp tác kinh tế và quân sự năng lượng đang trở thành yếu tố ràng buộc lớn trong quan hệ Nga - Trung, vì Mátxcơva là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc - một nền kinh tế mới nổi - đang trong cơn khát năng lượng để duy trì sự tăng trưởng nóng cho nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân. Thêm vào đó, Nga cũng muốn đa dạng hóa thị trường năng lượng thay vì chỉ hướng tới Châu Âu… Trong bối cảnh ấy, sự kiện Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga ký thỏa thuận sơ bộ mở đường cho một hợp đồng kéo dài 30 năm, theo đó Nga bắt đầu chuyển khí đốt sang Trung Quốc theo "tuyến đường phương Đông" từ năm 2018, với mức cung ban đầu là 38 tỷ mét khối, trước khi tăng lên 60 tỷ mét khối, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chuyến công du Mátxcơva của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá thành công ngoài mong đợi khi nhà lãnh đạo hai nước đã hoạch định được lộ trình hợp tác trong 10 năm tới. Không dừng lại ở đó, qua chuyến thăm, Bắc Kinh còn gửi đi một "tín hiệu" tới Washington rằng, không phải mọi thứ đều có thể được đo bằng giá trị của các hợp đồng thương mại, nhất là sau sự kiện Tổng thống Barack Obama từ chối chuyến thăm chính thức tới Mátxcơva. Chọn Nga làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của Chủ tịch Tập Cận Bình còn thể hiện quan điểm rằng, mặc dù quan hệ và những ràng buộc thương mại và kinh tế Trung - Mỹ là rất mật thiết, song ưu tiên chiến lược của Trung Quốc với Nga là không thể xem thường.
Sự nồng ấm trong quan hệ Nga - Trung sẽ là "câu trả lời" có trọng lượng cho chiến lược ngoại giao Châu Á của Mỹ thời gian qua. Song, lịch sử quan hệ Nga - Trung cho thấy, không vì thế mà Mátxcơva hoàn toàn kỳ vọng vào mối quan hệ vừa sang trang mới; ngược lại, việc Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng tới phần lãnh thổ phía Đông rộng lớn và thưa dân của Nga không thể không khiến Mátxcơva phải cảnh giác.