OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Kinh tế toàn cầu “gánh” thêm áp lực lạm phát
Thế giới - Ngày đăng : 08:10, 05/04/2023
Ngày 2-4, OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia là nước dẫn đầu với mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, từ tháng 5 đến hết năm 2023. Trước đó, Nga cũng tuyên bố cắt giảm 500.000 thùng/ngày, một bước đi để đáp trả lại các lệnh áp trần giá dầu của phương Tây đối với Mátxcơva. Các quốc gia như Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Kazakhstan cũng có động thái tương tự. Những gã khổng lồ dầu mỏ vùng Vịnh gọi đó là "biện pháp phòng ngừa" nhằm ổn định thị trường. Đây được xem là cú giáng mạnh vào nguồn cung trên thị trường dầu mỏ thế giới, khi các nước tuyên bố cắt giảm lần này đều đang là nhà sản xuất dầu chủ chốt nhất của OPEC+ hiện nay.
Quyết định của OPEC+ đã ngay lập tức ảnh hưởng mạnh tới diễn biến thị trường dầu toàn cầu. Trong phiên giao dịch sáng 3-4, giá dầu Brent đã tăng 5,07%, lên mức 83,95 USD/thùng; giá dầu WTI cũng tăng 5,17%, chạm mức 79,59 USD/thùng. "Thị trường dầu mỏ thế giới đang trải qua giai đoạn biến động mạnh và khó đoán định do cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu, sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và các quyết định chính sách năng lượng không thể đoán trước. Đồng thời, khả năng dự đoán trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là một yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng" Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói.
Giá dầu đã giảm mạnh trong 12 tháng qua, sau khi tăng vọt lên hơn 120 USD/thùng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Thế nhưng đến tháng 3-2023 giá dầu đã giảm xuống 70 USD/thùng, thấp nhất trong 15 tháng qua. Những nhà đầu cơ dầu mỏ thất vọng vì việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 đã không thể kéo giá cầu lên cao, trong khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cùng lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu sẽ làm dấy lên nguy cơ suy thoái kinh tế toàn diện.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng cũng diễn ra khi Mỹ, châu Âu và các nơi khác tiếp tục “chiến đấu” với lạm phát. Giacomo Romeo, nhà phân tích chứng khoán năng lượng tại Ngân hàng Đầu tư Jefferies cho biết, việc cắt giảm mới nếu được thực hiện đầy đủ sẽ làm giảm đáng kể tồn kho dầu thô trong quý II, trái ngược với kỳ vọng trước đó về việc giảm vào đầu quý III-2023. Từ tháng 5 đến cuối năm, tổng sản lượng cắt giảm 1,16 triệu thùng/ngày là mức giảm lớn nhất kể từ khi OPEC+ này cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10-2022. Việc cắt giảm sản lượng dầu lần này, một lần nữa cho thấy, nhiều nước thành viên OPEC+ không muốn giá dầu ở mức 70-80 USD/thùng, mà đặt kỳ vọng giá dầu phải ở mức cao hơn.
Người đứng đầu Công ty Đầu tư Pickering Energy Partners cho biết, mức giảm mới nhất có thể nâng giá dầu lên 10 USD/thùng, trong khi chiến lược gia cấp cao Daniel Hynes của Ngân hàng ANZ nhận định rằng, khả năng giá dầu quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng “chắc chắn đã tăng lên”. Mỹ gọi quyết định của OPEC+ là một động thái “không khôn ngoan”, và cho biết Washington sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề giá xăng.
Việc cắt giảm sản lượng dầu được các nhà phân tích cho là tạo cân bằng chặt chẽ giữa cung và cầu, có nghĩa là nó có thể đẩy giá lên cao. Điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Quan ngại hơn, giá dầu cao có thể gây suy yếu nhu cầu, đồng thời khiến lạm phát dai dẳng ở mức cao và tạo ra nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn.