40 năm ngày Mỹ thất bại, rút khỏi Việt Nam (29-3-1973): Nhìn lại và suy ngẫm
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 24/03/2013
LTS: Những quân nhân Mỹ đầu tiên đến Việt Nam để hợp tác với lực lượng Việt Minh của Cụ Hồ trên Chiến khu Việt Bắc trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng sau đó Mỹ đã xâm lược Việt Nam, buộc Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược kéo dài hơn 20 năm (1955 - 1975). Cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, hàng triệu người Việt Nam bị chết và hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra mấy chục năm sau vẫn chưa khắc phục được. Còn nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc, tổn thất sinh mạng hàng vạn người. Ngày 29-3-1973, khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris và hơn 2 năm sau, ngày 30-4-1975, người Mỹ cuối cùng trong bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ mới hoàn toàn chấm dứt can thiệp vào Việt Nam.
I - Đồng minh chống phát xít
Với mục tiêu tối thượng là giành cho kỳ được độc lập dân tộc, từ cuối năm 1944, với trách nhiệm của một lực lượng trong phe Đồng minh chống phát xít, Việt Minh đã coi Mỹ là bạn.
Đại đội Việt - Mỹ làm lễ xuất quân. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 2-11-1944, Trung úy phi công William Shaw thuộc Phi đội 51, Tập đoàn Không quân số 14 của Mỹ có biệt danh là Không đoàn "Hổ bay" (Flying Tiger), căn cứ đặt tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc, lái máy bay B-25 bị quân Nhật bắn trúng, phải nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và được Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân Nhật. W.Shaw được đưa về Pác Bó. Sau hơn một tháng đi theo những người dẫn đường, chỉ đến khi gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh, viên phi công trẻ mới được nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta. Bác Hồ đã tặng W.Shaw một bản "Chương trình Việt Minh" đã được Người dịch ra tiếng Anh. Đích thân Bác Hồ đã trèo đèo lội suối, vượt hàng nghìn cây số, đưa anh ta về Côn Minh, trao trả cho Trung tướng Claire Chenault, Tư lệnh Không đoàn 14, đồng thời là người đại diện cao nhất của quân Đồng minh tại khu vực. Trong dịp này, Bác đề nghị công nhận Mặt trận Việt Minh là một lực lượng của phe Đồng minh. Tiếp xúc với lãnh tụ Hồ Chí Minh, tướng C.Chenault đã nhận thấy quyết tâm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Ông hứa sẽ đưa các nhóm chuyên gia sang giúp huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác cho Việt Minh. Phía Việt Minh sẽ tăng cường lực lượng, mở rộng hoạt động du kích đánh Nhật, cung cấp thông tin tình báo và khí tượng cho Không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường Bắc Đông Dương. Trung úy Charles Fenn thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (The Office of Strategic Services - OSS), tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (Central Interligence of America - CIA) được giao điều phối kế hoạch hợp tác với Việt Minh. Trong dịp này, Bác cũng đã làm quen và viên Thiếu tá Archimèdes Patti, phụ trách OSS tại khu vực rất kính trọng Người. Khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước, OSS đã cử hai người Mỹ gốc Hoa là Frankie Tan và Mac Shin, chuyên gia về điện đài đi theo, sau đó còn có Trung úy Dan Phelan, sỹ quan Trạm Trợ giúp không lực từ mặt đất, John, báo vụ viên của OSS cùng một số người khác sang chiến khu Việt Bắc phối hợp với Việt Minh trong sứ mạng tìm kiếm phi công Mỹ, chống phát xít Nhật.
Ngày 16-7-1945, nhóm tình báo mang biệt danh "Con Nai" (The Deer Team) của OSS nhảy dù xuống Tân Trào. Sau khi điều chỉnh quân số, biệt đội Con Nai có 7 người, gồm Thiếu tá Allison K.Thomas, trưởng nhóm, phiên dịch Henry Albert Prunier, Trung úy Rene Defoumeaux, bác sỹ quân y Paul Hoaglan, Thượng sỹ Lawrence Vogt, Trung sỹ kiêm nhiếp ảnh gia Aaron Squires và Thượng sỹ điện đài William Zielski. Các thành viên của nhóm tham gia huấn luyện quân sự, xây dựng sân bay dã chiến trong căn cứ Việt Minh. Người Mỹ đã thả dù, dùng trực thăng tiếp tế vũ khí, lương thực cho biệt đội Con Nai và Việt Minh, trong đó có nguyên văn bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ theo yêu cầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 16-8-1945, đại đội Việt - Mỹ do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng) làm đại đội trưởng, A.Thomas làm tham mưu trưởng đã được thành lập, làm lễ xuất phát tiến về giành chính quyền ở Hà Nội. Dọc đường, đại đội Việt - Mỹ đã tham gia bao vây quân Nhật ở tỉnh lỵ Thái Nguyên. Biệt đội Con Nai đã về Hà Nội sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhờ họ chuyển một bức thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam. Chiều 30-8-1945, Bác Hồ đã mời người bạn cũ, Thiếu tá Archimèdes Patti đến căn phòng trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, đọc cho ông ta nghe dự thảo Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. A.Patti đã giật mình khi nghe câu mở đầu: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ngay tối đó, ông ta đã điện về Mỹ: "Ngày 2-9-1945, Việt Nam sẽ tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập. Câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc là câu mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ". Rất tiếc là bức thư Bác Hồ gửi đã không đến được Tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi lên làm Tổng thống Mỹ, Truman đã để cho Tổng thống Pháp Charles De Gaul quyết định số phận của Đông Dương, dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm (1945-1975). Tuy chỉ ở Hà Nội trong 38 ngày, từ 22-8 đến 30-9-1945, nhưng tiếp xúc với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chứng kiến không khí sục sôi cách mạng của nhân dân Việt Nam trong những ngày lịch sử, viên Thiếu tá tình báo Mỹ A.Patti đã rất có cảm tình với cách mạng Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản cuốn "Tại sao Việt Nam - Khúc dạo đầu Chim hải âu của nước Mỹ" (Why Vietnam - Prelude to Amrica's Albatross) thể hiện thiện cảm với lãnh tụ Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Theo lệnh của Chính phủ Mỹ, biệt đội Con Nai đã phải rời khỏi Việt Nam ngay trong tháng 9-1945.
Năm 1995, nhiều thành viên biệt đội Con Nai cùng nhiều cựu chiến binh, nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị gia Mỹ đã trở lại Việt Nam và hai năm sau, năm 1997, nhiều cựu chiến binh, trong đó có một số chiến sỹ Việt Nam trong đại đội Việt - Mỹ, đã sang Hoa Kỳ dự hội thảo về quan hệ hai nước. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc (người đã dự cả hai cuộc gặp mặt nói trên), điều đặc biệt là tất cả những người Mỹ đã cộng tác với Việt Minh tại Chiến khu Việt Bắc, được tiếp xúc với Bác Hồ, sau này đều là những người bạn của nhân dân ta, tích cực phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Nhiều chính trị gia, nhà nghiên cứu lịch sử và dư luận Hoa Kỳ khi biết rằng hai nước đã từng là đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít đều tiếc cho những bước đi sai lầm của Chính phủ Mỹ sau này trong vấn đề Việt Nam.
Trong quá trình tìm tòi tư liệu, chúng tôi được ông Đinh Văn Tam, sinh năm 1945, hiện sống tại ngõ 20, phố Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa, Hà Nội, chuyên gia ngành thép, là con trai cụ Đinh Huy Khang, bí danh Hùng Việt, chiến sỹ đại đội Việt - Mỹ năm xưa, cho biết: Năm 1995, Thiếu tá A.Thomas và các bạn chiến đấu có đến tận nhà thăm gia đình người đồng đội chung chiến hào chống phát xít năm xưa; nhân dịp này, A.Thomas có tặng con cháu cụ Hùng Việt một số tài liệu và ảnh gốc về hoạt động của biệt đội Con Nai và đại đội Việt - Mỹ tại Chiến khu Việt Bắc, trong đó có lời kêu gọi quân Nhật tại Thái Nguyên hạ vũ khí đầu hàng bằng tiếng Anh. Tiếc là sau này có người đến mượn gia đình ông số tài liệu này để nghiên cứu nhưng chưa trả lại. Hiện nay, gia đình ông Tam vẫn còn bức ảnh biệt đội Con Nai chụp chung với các chiến sỹ Việt Minh, trong đó có chiến sỹ Hùng Việt. Cụ Hùng Việt đã hy sinh năm 1947 trên Chiến khu Việt Bắc.
(Còn tiếp)