Việc làm và vấn đề tội phạm trong thanh, thiếu niên

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 24/03/2013

(HNM) - Con số hơn 13.000 đối tượng chưa thành niên phạm pháp năm 2012 vừa được Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) công bố khiến nhiều bộ, ngành và Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam lo lắng.

Tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật gia tăng được báo động lâu nay. Nhiều cuộc bàn thảo, tọa đàm của các cấp đoàn, hội cũng đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Ở góc độ quản lý nhà nước về thanh niên, nhiều thành viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội là công tác giáo dục còn nhiều bất cập. Qua khảo sát, nhiều vùng sâu, vùng xa, trường học vừa thiếu vừa xa khu dân cư; nhiều gia đình kinh tế khó khăn, không có tiền cho con đi học, thậm chí trẻ em phải nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp gia đình. Bộ phận trẻ em phải bỏ học, không đến trường rất dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. Đặc biệt, lối sống tha hóa, lệch lạc về hành vi của một bộ phận giới trẻ là tác nhân dẫn đến nhiều vụ án mạng, xâm hại trẻ em.

Đào tạo nghề cho thanh niên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội. Ảnh: Thu Giang


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phân tích, tình hình nghiện hút vẫn tăng, trong đó đa số trong độ tuổi thanh niên. Trung bình một ngày, cả nước xảy ra 3 vụ giết người, mỗi năm có cả nghìn vụ án. Đa phần đối tượng liên quan đến các vụ án hình sự đều có thói quen chơi game bạo lực, lạm dụng internet và cao hơn là tụ tập, đàn đúm ở các quán bar, vũ trường - nơi dễ phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Trong khi đó, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cũng có một số đối tượng do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật hoặc mê tín dị đoan dẫn đến phạm tội.

Nêu giải pháp nhằm kiềm chế tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, thực tế các địa phương cho thấy, nhu cầu cấp thiết nhất đối với thanh niên là phải được đào tạo nghề, có việc làm, nhà ở và có nơi vui chơi, giải trí thích hợp. Không có việc làm, thiếu nơi vui chơi, giải trí khiến nhiều thanh niên mắc tệ nạn xã hội; thu nhập thấp, phải thuê nhà ở giá rẻ, chất lượng cuộc sống thấp cũng khiến giới trẻ bức bách, bi quan hoặc đố kỵ, dễ có hành vi vi phạm pháp luật. Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: Hạn chế trong giải quyết việc làm cho thanh niên nhiều năm qua là việc xã hội hóa dạy nghề còn chậm, chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tham gia. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn về nghề còn yếu, chưa giúp thanh niên hiểu đúng và lựa chọn nghề phù hợp với khả năng, điều kiện bản thân. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ thanh niên chọn ngành nghề còn cảm tính, thiếu thực tế, thích có bằng cấp hơn là làm chủ các kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp mà thị trường lao động đang có nhu cầu. Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường còn trông chờ và ỷ lại vào gia đình, chưa chủ động tự tạo việc làm… Đây là các vấn đề cần được khắc phục ở tất cả các phía, mục tiêu là cộng đồng quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để thanh niên có cơ hội việc làm và thu nhập; bản thân giới trẻ phải tự giác nâng cao nhận thức và chủ động tìm tòi, sáng tạo vì tương lai của chính mình.

Chưa lúc nào vấn đề việc làm cho thanh niên lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Về góc độ quản lý nhà nước, nhiều thành viên của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012); xây dựng Luật Việc làm, trong đó có các quy định cụ thể về việc làm cho thanh niên; tiếp tục thực hiện chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với đào tạo theo nhu cầu của thị trường, quan tâm giảng dạy, truyền nghề trực tiếp tại doanh nghiệp.

Việt Tuấn