Hoạt hình Việt Nam - phong phú và mới mẻ

Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 24/03/2013

(HNM) - 11 bộ phim chiếu trước buổi trao đổi, gặp gỡ cộng tác viên của Hãng phim hoạt hình Việt Nam trong hai ngày 20 và 21-3 đã mang đến cho người xem nhiều bất ngờ.


Tỉnh dậy sau giấc ngủ dài

11 bộ phim được trình chiếu nói trên đều là phim mới sản xuất hai năm trở lại đây, đa phần đã giành giải thưởng điện ảnh trong nước và "dính tí chút" quốc tế.

Phải nói, trong hơn 50 năm ra đời và phát triển, giai đoạn đầu, hoạt hình Việt Nam từng có đỉnh cao như "Chuyện ông Gióng", "Con sáo biết nói", "Con khỉ lạc loài"… Bước vào thời điện ảnh thị trường, hoạt hình Việt liêu xiêu cho đến khi tìm được hướng đi qua một số phim như "Ông tướng canh đền", "Trê cóc", "Xe đạp", "Sự tích cái nhà sàn".



Và đến nay, với chùm phim nói trên, hoạt hình Việt đã trở lại với một diện mạo mới mẻ, rõ nét hơn, phong phú từ đề tài đến cách thể hiện. Nhiều phim không có thoại như "Bò vàng", "Đôi bạn", "Khoảng trời", "Bù nhìn rơm"… Ngôn ngữ tạo hình trong một số tác phẩm không những chẳng kém gì phim nước ngoài mà còn mang dấu ấn riêng với âm hưởng dân gian đậm đà văn hóa Việt. Cánh cò, tàu chuối, rặng tre, con sông… tưởng như đã quá quen thuộc, nay bước vào mỗi thước phim vẫn đầy sức gợi mở, mê hoặc nhờ sự cách điệu và chắc chắn là nhờ có tư duy nghệ thuật mới mẻ. Những người xem phim (gồm nhiều nhà hoạt động điện ảnh) cho rằng hoạt hình Việt đã nới rộng sức thể hiện. Không chỉ là những câu chuyện để răn dạy trẻ nhỏ, cứ mở lên là quanh quẩn một vài nhân vật thỏ, rùa, gà, gấu… nữa, chùm phim nói trên có những câu chuyện khiến người lớn phải suy ngẫm, như "Bò vàng" với thông điệp về đô thị hóa và nguy cơ hủy hoại môi trường. Một con bò vàng hiền lành thảnh thơi gặm cỏ trên cánh đồng, những ngôi nhà xám mọc dần lên, xóa đến tận cùng màu xanh đồng cỏ. Bò vàng không còn cỏ ăn, chuyển sang ăn rác… Đến một ngày, nó biến thành quái vật, bóng lớn dần, bao phủ thành phố xám xịt của con người… Những phim khác, như "Đôi bạn" kể giản dị về hai chiếc bình với những việc làm tưởng như nhỏ bé mà góp phần làm đẹp cho cánh đồng. Và ngay trong đổ vỡ, chúng vẫn nỗ lực ươm mầm sự sống…

Dù không phải phim nào cũng thỏa mãn người xem, đây đó còn "sạn" như sử dụng "giọng" sân khấu lồng tiếng cho hoạt hình, thoại dài, ít chất dí dỏm… nhưng rõ ràng chùm phim trên khiến người xem phải nghĩ khác về tương lai của phim hoạt hình Việt Nam.

Thách thức về kịch bản và phát hành

Theo ông Đặng Vũ Thảo, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam (gọi tắt là Hãng phim hoạt hình Việt Nam), hãng bắt đầu được nâng cấp về cơ sở vật chất từ năm 2008 với nguồn kinh phí của bộ chủ quản. Từ năm 2010 đến nay, số lượng phim trong chỉ tiêu sản xuất của năm tăng từ 8 đến 10, 12, và năm nay là 16 phim. Năm 2012, hãng không những hoàn thành toàn bộ phim theo chỉ tiêu được giao mà còn có sự tiến bộ về tiến độ và chất lượng. Năm 2013 có số lượng phim lớn chưa từng có. Ngay từ tháng 1-2013, đã có phim được đưa vào sản xuất - điều chưa từng xảy ra suốt nhiều năm qua.

Cũng theo ông Đặng Vũ Thảo, dây chuyền làm phim của hãng được đầu tư đồng bộ, hiện đại không kém gì các nước trong khu vực. Chủ trương đổi mới cũng rất rõ ràng: Hoạt hình Việt Nam tiếp tục mở rộng phạm vi đề tài, dung lượng. Phim không chỉ cho thiếu nhi, mà còn hướng đến nhiều đối tượng khác, với nhiều cách thể hiện như phim đồng thoại, ngụ ngôn, lịch sử, triết lý… Bên cạnh phim 10 phút, nay có cả phim 5 phút, 20 phút, thậm chí 60 phút. Tất nhiên, đúng như Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ: "Cục không quan niệm phải làm phim thật dài hay thật ngắn để cho mới lạ, cốt sao phim phải có sự sáng tạo, độc đáo, thể hiện tâm huyết của người làm nghề".

Thách thức trước mắt chính là ở khâu kịch bản, hiện hãng còn thiếu khoảng 10 kịch bản hay để có thể đạt đủ chỉ tiêu sản xuất năm 2013. Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều nhà biên kịch khác. Trong đó, như phân tích của nhà biên kịch Lâm Mạnh Tùng, "phải có nhân vật hấp dẫn, phức tạp và một câu chuyện đơn giản". Còn nhà báo Ngô Minh Nguyệt lại đặt ra một câu chuyện khác, là "người viết kịch bản hoạt hình không ít, nhưng phải làm sao để họ bắt nhịp với những yêu cầu mới về thể loại. Trong đó, nên có trao đổi, hướng dẫn cụ thể để những kịch bản có triển vọng có thể được viết lại, hoặc cấu trúc theo một phương pháp mới, có tính khả thi hơn”.

Mơ ước nhờ phim hoạt hình để thu về trăm triệu đô la mỗi năm như nước Nhật là chính đáng nhưng nhà biên kịch Đinh Tiếp thẳng thắn, "Việt Nam không thể đổi mới hoạt hình như một số nước, bởi lẽ mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng. Phim hoạt hình của Mỹ, Nhật chủ yếu chiếu về chiều, đêm, nội dung "chiều" theo lớp trẻ, nhiều tính bạo lực, thậm chí khiêu dâm và hài trần trụi"…

Để tiếp tục tìm kiếm những kịch bản hay, khả thi, Hãng phim hoạt hình Việt Nam hiện đang chuẩn bị mở trại sáng tác - diễn ra từ ngày 2 đến 17-4 và từng bước tìm kiếm đầu ra cho môn "nghệ thuật thứ tám" nhiều tiềm năng này.

Tại trụ sở của hãng (số 7, Trần Phú, Hà Nội) đã có gian hàng giới thiệu các đĩa DVD hoạt hình Việt Nam. Bên cạnh đó, Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã triển khai đưa phim hoạt hình lên mạng internet, một số mạng di động của Vinaphone, Mobiphone, Viettel, có thể bắt đầu phục vụ người xem từ tháng 4 tới. Tuy nhiên, một kênh phổ biến hoạt hình hiệu quả khác là truyền hình thì lại đang vướng về thủ tục.

Thi Thi