Ít trẻ em đội mũ bảo hiểm: Lỗi của người lớn
Đời sống - Ngày đăng : 05:37, 23/03/2013
Nhận thức tốt, thực hiện tồi
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu về phụ nữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành "Khảo sát ý kiến cộng đồng đối với việc đội MBH của trẻ em". 1.339 người tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã được tham vấn về vấn đề nói trên và kết quả cho thấy, có đến 85% số trẻ em và 77,7% số cha mẹ được hỏi có biết về quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em; 91,4% cha mẹ và 77,9% học sinh cho rằng cần thiết phải đội MBH khi tham gia giao thông. Thậm chí, một số cha mẹ không chỉ "có nghe nói" về quy định đội MBH cho trẻ em, mà còn biết khá chi tiết về hình thức phạt với người không đội MBH.
Tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy còn khá phổ biến. |
Điều đáng ngạc nhiên là, theo nghiên cứu nói trên, 89,8% học sinh tiểu học được chở đến trường bằng xe máy, nhiều học sinh THCS và THPT cũng đến trường bằng xe máy (34,2%), tuy nhiên, khảo sát tại 6 nút giao thông của 3 thành phố trên cho kết quả: chỉ có 47,3% học sinh Đà Nẵng, 32,4% học sinh TP Hồ Chí Minh và 23,2% học sinh Hà Nội được hỏi nói "có" với việc đội MBH. Đánh giá của Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội tại hiện trường cho thấy sự tương đồng với kết quả nói trên. Một cảnh sát giao thông ở Đông Anh, Hà Nội nói với nhóm nghiên cứu: "Cứ khoảng 10 trẻ từ 6 đến 15 tuổi tham gia giao thông thì chỉ có 2 trẻ đội MBH".
Sự coi thường luật lệ giao thông của các bậc cha mẹ là một trong những lý do khiến nhiều học sinh không đội MBH khi lưu thông trên đường. Cách ứng xử của người lớn, trong nhiều trường hợp không có tác dụng làm gương cho con trẻ. Có lúc, phụ huynh không cho trẻ đội MBH, khi thấy bảo đằng trước có công an mới dừng lại mua mũ cũ cho con, mục đích là để đối phó. Cũng với tâm lý này, nhiều người sẵn sàng hạ thấp tuổi thực của con em mình để không bị công an phạt. Ông N.V.P, 56 tuổi, ở Đà Nẵng cho biết: "Nếu bị thổi còi giữ lại thì tôi nói bé nhà tôi mới học mẫu giáo, nó thấp bé, nhẹ cân, ai biết!".
Xem xét việc người lớn cho trẻ đội hay không đội MBH khi chở con bằng xe máy trên đoạn đường dài - ngắn, kết quả điều tra chỉ ra rằng, có đến 67,7% không đội MBH cho con khi đi trên những đoạn đường gần nhà. Lý do là đi đoạn đường ngắn, gần nhà thì không nguy hiểm gì, không sợ công an phạt. Một vấn đề khác, nhiều bậc cha mẹ không đội mũ cho con vì ngại mất thời gian tìm mũ, ngại sự vướng víu. Về phía trẻ, nhiều em kiên quyết không đội mũ với lý do đội MBH nhức đầu, không học được bài. Có em thường ra mồ hôi nhiều, ngại đội MBH vì lo bị ngứa.
Khung pháp lý chưa rõ ràng
Phần lớn công an ở các địa phương được khảo sát cho biết, luật quy định chưa rõ ràng là một trong những khó khăn đối với họ khi thực thi quy định liên quan đến việc đội MBH. Thực tế cho thấy, CSGT gặp khó trong việc xử phạt hành chính khi cha mẹ chở con nhỏ không đội MBH vì "không xác định được tuổi của trẻ em". Nghị định 34 bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi, nhưng không có căn cứ để xác định tuổi của trẻ, chẳng lẽ bắt phụ huynh đi đâu cũng phải mang theo giấy khai sinh. Một CSGT ở Hà Nội chia sẻ: "Theo quy định, đối tượng dưới 14 tuổi đi xe máy điện thì sẽ bị phạt, không quy định giữ xe. Nhưng, có điều là học sinh đi xe máy điện thường không có tiền phạt; muốn tạm giữ xe để tiện cho việc phạt thì xe máy điện không có giấy tờ, số khung, số máy, chẳng nhẽ giữ xe rồi ghi là giữ xe màu xanh, màu vàng, khi trả thì như thế nào?". Khó khăn trong việc xử lý vi phạm luật giao thông nêu trên đã tạo tâm lý coi thường luật pháp ở người tham gia giao thông. Số liệu thu được qua khảo sát cho thấy, dù có nhiều người vi phạm nhưng chỉ có 4,9% số cha mẹ được hỏi nói rằng đã từng bị CSGT phạt vì không đội MBH cho con.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc trẻ lơ là việc đội MBH, là sự phối hợp giữa CSGT và nhà trường trong xử phạt chưa chặt chẽ. Mặc dù các trường có giải pháp nâng cao ý thức đội MBH của trẻ như cung cấp thông tin liên quan đến MBH, đưa ra các nội quy liên quan đến việc đội hay không đội MBH cho học sinh… tuy nhiên, đại bộ phận học sinh không bị bất cứ hình thức khiển trách nào liên quan đến việc đội MBH từ phía trường học. Thực tế cho thấy, không ít học sinh bị xử phạt khi vi phạm luật giao thông, đã được thông báo để nhà trường có hình thức giáo dục phù hợp song CSGT hầu như không nhận được phản hồi từ phía nhà trường.
Theo GS.TS Trần Thị Minh Đức, người chủ trì cuộc nghiên cứu, nên chăng, cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về việc thực hiện quy định về đội MBH giữa nhà trường và các cơ quan chức năng liên quan, mục tiêu là thống nhất các hình thức tuyên truyền, các chế tài áp dụng với những học sinh lưu thông trên đường mà không đội MBH. Học sinh và phụ huynh cần có cam kết với nhà trường về việc đội MBH. Các trường cũng có cam kết với các sở giáo dục về tình trạng không đội MBH của học sinh trường mình. Có như vậy thì việc thực hiện quy định đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi mới đạt hiệu quả.