Kinh tế Hà Nội tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2012

Kinh tế - Ngày đăng : 19:33, 22/03/2013

(HNMO) - Chiều 22-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, tập thể UBND thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã họp trực tuyến với lãnh đạo UBND 29 quận, huyện, thị xã...


Thuận lợi, khó khăn đan xen

Báo cáo của Sở KHĐT cho biết, quý I năm 2013, kinh tế Thủ đô có mức tăng cao hơn và mức lạm phát thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% của năm 2012. Cùng xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước là một số ngành như dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, nông nghiệp… Trong đó đặc biệt là nông nghiệp, rút kinh nghiệm từ năm 2012, nông nghiệp giảm vì bỏ vụ đông, năm nay thành phố vận động nhân dân trồng cây vụ đông, cùng với tăng giá trị một số sản phẩm đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp quý I tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2012, đóng góp 0,3% vào mức tăng GRDP của thành phố. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm so với cuối năm 2012, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến ở mức 9-12%, các lĩnh vực khác là 11-15% đối với khoản vay ngắn hạn và 14,6%-17,%% đối với các khoản vay trung và dài hạn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2. CPI trung bình 3 tháng đầu năm tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2012, đây là dấu hiệu rất tích cực nếu so với tháng 3-2012 tăng 15% so với tháng 3-2011. Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Nội, mặc dù xăng dầu tạm nhập tái xuất giảm so với cùng kỳ đến 40%, nhưng xuất khẩu vẫn tăng là vì khối lượng xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống như dệt may, thủ công mỹ nghệ, dây cáp điện, giày dép. Điều này có lợi cho sản xuất.

Sản xuất đồ gia dụng xuất khẩu tại Công ty Kim khí Thăng Long. Ảnh: Bảo Kha


Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thử thách vẫn đang đặt ra. Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp, xây dựng quý I tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước, đạt 7,3% (so với mức 7,9 % cùng kỳ năm 2012). Trong 45 sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 3 tháng đầu năm, có 25 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó có 5 sản phẩm giảm tới 60%. Thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều dự án đầu tư xây dựng giãn tiến độ hoặc tạm dừng. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 7,7% chỉ tương đương với mức tăng cùng kỳ năm 2012. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng phân tích: “ngân hàng hạ lãi suất, nhưng tổng dư nợ lại giảm. Vì vậy tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế giảm, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.” Nợ xấu có xu hướng gia tăng, tính đến cuối tháng 2/2013 là 6,29%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký mới là trên 3700 giảm 21% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là trên 2200, tăng 19% so với cùng kỳ.

Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Nội, ngành chăn nuôi có tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012. Nên để bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp trong những tháng tiếp theo cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa. Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Thanh Vân cho rằng, khó khăn của nông nghiệp Hà Nội hiện nay là có nguy cơ hạn hán vụ mùa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn ít, thành phố chưa cấp kịp kinh phí thực hiện các nội dung chương trình nông thôn mới.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách, thị trường

Tại hội nghị, lãnh đạo một số quận huyện cho biết, trong 6 tháng đầu năm thu ngân sách có thể gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn chi. Trong khi nhiệm vụ GPMB các dự án sẽ gặp khó khăn, vì thực hiện chính sách bồi thường GPMB theo giá thị trường. Các địa phương vẫn gặp lúng túng khi thuê tư vấn thẩm định giá và các khâu liên quan để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, khi nói về mục tiêu phát triển năm 2013, lãnh đạo các địa phương đều bày tỏ quyết tâm, cũng như tin tưởng vào khả năng hoàn thành.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội nói chung trong quý I là tích cực, mặc dù trong bối cảnh khó khăn mọi mặt, nhưng tiếp nối đà vượt khó từ năm 2012, thành phố vẫn đạt được kết quả khá toàn diện. Đây là cơ sở tạo đà để thành phố có thể tăng tốc phát triển KTXH từ quý II. Chủ tịch yêu cầu các cấp, các ngành tập trung ngay vào tháo gỡ khó khăn trong khu vực công nghiệp, xây dựng bằng các giải pháp mở rộng thị trường, hỗ trợ bằng chính sách… Đặc biệt là tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được công bố tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp diễn ra sáng 22-3. Các huyện tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi, không để xảy ra dịch bệnh bảo đảm thắng lợi vụ xuân và duy trì tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp. Song song với việc chuẩn bị phòng chống lụt bão, các huyện cần tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, hoàn thành tiếp hơn 10% đường giao thông nông thôn chưa được bê tông hóa.

Chủ tịch lưu ý các ngành, các cấp tiếp tục bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, chú trọng tạo thêm việc làm mới, giáo dục, đào tạo, y tế; duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó cần tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, xiết chặt kỷ cương xã hội, không để tình hình khiếu kiện đông người phức tạp, gây ảnh hưởng đến ổn định chính trị và bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo có biến pháp cụ thể nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý khiến 5 chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh bị đánh giá thấp dẫn đến sự tụt lùi của thành phố trên bảng xếp hạng. Chủ tịch nhấn mạnh biện pháp thông tin tuyên truyền, trong đó tập trung công khai minh bạch chủ trương đường lối, cơ chế; dự báo thị trường và đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực.

Hiền Lương