Hà Nội: Tạm dừng không xem xét các dự án XD nhà ở thương mại
Bất động sản - Ngày đăng : 14:17, 22/03/2013
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP hiện có 5.789 căn hộ tồn kho, TP sẽ tiếp nhận xem xét đề nghị của Chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ.
Thực hiện cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay với DN xây dựng nhà ở xã hội; chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang nhà ở xã hội với lãi xuất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Ngân hàng nhà nước dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay, TP chỉ đạo thực hiện ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện.
Đáng chú ý, TP đã chấp thuận chủ trương chp phép chuyển đổi 3 dự án được sang xây dựng nhà ở xã hội và hiện có 6 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 7 địa điểm trên địa bàn TP. TP tiếp tục xem xét các dự án có nhu cầu chuyển sang nhà ở xã hội và thu nhập thấp phù hợp với quy hoạch.
Mặt khác, TP cũng đã tổ chức rà soát các dự án có quỹ nhà 30%, 40%, 50% để chuyển đổi sang nhà tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ… Trong tổng số 24 dự án có quỹ nhà 30%, 50% có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ (trong đó có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ). TP sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ để phục vụ quỹ nhà tái định cư, 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức TP.
Hơn nữa, TP cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án BĐS, điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ diện tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các DN BĐS chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu DN cho phù hợp như: giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng…
Cuối cùng là việc kiểm tra rà soát nợ xấu của DN kinh doanh BĐS, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, thực hiện phân loại nợ đầy đủ, chính xác; tiếp tục cho vay đối với các dự án đang xây dựng dở dang. Gia hạn tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà ở bán, nhà ở cho thuê, kinh doanh kết cấu hạ tầng có khó khăn về tài chính theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BTC và khả năng cấn đối ngân sách được gia hạn tối đa 24 tháng.
Nhận định về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong sáng 22-3, tại Hội nghị triển khai các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn TP, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Hà Nội hiện tồn kho 5.789 căn hộ, 3.483 biệt thự và kiền kề, 17.500 sàn văn phòng… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng triệu người nghèo cần nhà ở nhưng có sức mua không? TP đã ban hành một loạt chính sách. Tháo gỡ lớn nhất là TP cần quỹ nhà tái định cư để phục vụ công tác GPMB. TP sẽ mua các căn hộ tồn kho để làm nhà tái định cư theo giá thị trường. Hơn nữa nhu cầu của các CBCNVC lớn sẽ thuê mua căn hộ; điều chỉnh căn hộ to sang nhỏ để giảm giá thành, kèm theo chính sách tín dụng hỗ trợ… Ở Hà Đông, Đặng Xá đã có dự án bán 8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, Chủ tịch nói rõ, những giải pháp trên có tác dụng nhiều tới phân khúc căn hộ, còn với những dự án nhà liền kề, biệt thự “to tiền” không thể chuyển sang dự án nhà ở xã hội được… Chủ tịch đề nghị các DN BĐS bám vào các chính sách trên để giải quyết hàng tồn đọng.