Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thế giới - Ngày đăng : 07:18, 22/03/2013

(HNM) - Khu vực Đông Bắc Á không mấy yên ả - đặc biệt sau khi Triều Tiên đơn phương hủy Hiệp định đình chiến 1950-1953 và cắt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc - lại nổi sóng bởi những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn với sự góp mặt lần đầu của máy bay ném bom chiến lược B-52, có khả năng mang vũ khí hạt nhân.


Đáp lại cuộc tập trận chung mang tên "Giải pháp then chốt" kéo dài 11 ngày qua của Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vừa khiến thế giới phải quan ngại khi thông báo vừa hoàn tất cuộc diễn tập bắn đạn thật sử dụng các máy bay không người lái và máy bay đánh chặn tên lửa hành trình. Dù không tiết lộ thời gian cũng như địa điểm tổ chức, nhưng sự có mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận quy mô chưa từng có cho thấy, CHDCND Triều Tiên đã đạt những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Mỹ điều máy bay ném bom B-52 cùng 2 chiến đấu cơ hiện đại F/A-18 Hornets tham gia tập trận chung với Hàn Quốc.



Căng thẳng không dừng lại ở đó khi ngày 21-3, quân đội Triều Tiên cảnh báo có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản như một bước đi cần thiết để đáp trả việc Mỹ đưa pháo đài bay B-52 tham gia tập trận tại Hàn Quốc. Cho rằng hành động như vậy của Mỹ là "không thể dung thứ", phát ngôn viên Bộ Chỉ huy quân đội Triều Tiên còn ngụ ý: Mỹ đừng quên rằng căn cứ không quân Andersen ở Guam cũng như các căn cứ hải quân khác của Washington tại tỉnh Okinaoa (Nhật Bản) nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa Triều Tiên. Tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng chỉ là một trong những động thái mới nhất đáp lại việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết số 2094 do Mỹ đệ trình mở rộng các biện pháp trừng phạt nước này sau vụ thử hạt nhân thứ ba tháng 2 vừa qua.

Giữa lúc quan hệ hai miền Triều Tiên không ngừng phức tạp từng ngày, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt xung quanh câu chuyện chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tin từ Nhật Bản 48 giờ qua cho biết, các sỹ quan của Mỹ và Nhật Bản đang thảo luận về kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nhằm chiếm lại quần đảo tranh chấp với Trung Quốc nếu Bắc Kinh có hành động chiếm giữ. Đây cũng sẽ là một chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp giữa các sỹ quan hàng đầu quân đội Mỹ - Nhật tại Hawaii vào cuối tuần này.

Góp vào những động thái phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực, một biên đội gồm 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng vừa được lệnh rời căn cứ trên đảo Hải Nam để tham gia cuộc diễn tập sắp tới trên Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Mặc dù phía Trung Quốc khẳng định đây là cuộc diễn tập nằm trong kế hoạch huấn luyện thường niên của hải quân nước này - với các bài diễn tập được thực hiện theo yêu cầu của thực tế chiến đấu - nhưng hải trình từ Hải Nam ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với một số quốc gia láng giềng.

Bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung đang đứng trước nhiều nguy cơ cũng như thách thức lớn về an ninh sau một loạt động thái gây căng thẳng của các nước trong khu vực gần đây. Song, điều khiến dư luận quan ngại hơn là dấu hiệu một cuộc chạy đua vũ trang sẽ vì thế mà ngày càng rõ nét hơn tại một khu vực được cho là có nền kinh tế đang phát triển mạnh của thế giới. Số liệu công bố mới đây của Viện Nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm cho thấy, trong 5 năm qua, 5 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đều tập trung ở Châu Á với thứ tự lần lượt gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore. Con số "biết nói" này cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang ở tầm châu lục là có thật và đã bước vào cao trào.

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến hoạt động nhập khẩu vũ khí của các nước Châu Á diễn ra sôi động là do trong khu vực đang tồn tại nhiều mối đe dọa. Nhưng, cuộc đua đang hình thành trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng hay cả Đông Bắc Á nói chung có giúp khu vực trở nên an toàn hơn hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Đình Hiệp