Nhiều điều khoản cần được bổ sung
Giáo dục - Ngày đăng : 06:52, 22/03/2013
Bà Kiều Thanh Nga, phường Kim Liên (Đống Đa): Nên bổ sung hành vi dạy thêm không đúng nội dung được cấp phép
Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định, các trường tiểu học không được dạy thêm các môn văn hóa, trừ dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua một số trường đã lợi dụng kẽ hở của Thông tư 17, xin cấp phép cho dạy thêm về thể dục thể thao, kỹ năng sống nhưng lại không dạy các môn theo giấy phép mà tổ chức dạy thêm các môn nâng cao kiến thức toán, tiếng Việt cho học sinh trên cơ sở phụ huynh học sinh “tự nguyện”. Trong khi đó, khoản 7, Điều 5 dự thảo mới chỉ quy định: Phạt tiền 3-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm như cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; tổ chức dạy thêm tại địa điểm không bảo đảm quy định; dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng… Theo tôi, để khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo nên bổ sung thêm chế tài xử phạt hành vi “dạy thêm không đúng nội dung được cấp phép” mới mong xử lý tận gốc được tình trạng các nhà trường lách luật như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Đồng Trúc (Thạch Thất): Xử phạt việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên/lớp vượt quá mức quy định liệu có khả thi?
Dự thảo lần này kế thừa các nội dung của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11-4-2005 và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 8-6-2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, dự thảo đã bổ sung những quy định mới nhằm bảo đảm quyền lợi của người học, chẳng hạn như việc bảo đảm sĩ số học sinh, sinh viên trong một lớp học. Vấn đề chúng tôi quan tâm hiện nay là tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… tình trạng quá tải về sĩ số do cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được số lượng học sinh trên địa bàn đang diễn ra phổ biến. Do vậy, xử phạt việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên/lớp vượt quá mức quy định liệu có khả thi? Theo tôi, dự thảo nên cân nhắc kỹ quy định hình thức cảnh cáo, phạt tiền đối với trường hợp bố trí lớp quá đông với các trường ở thành phố, thị xã khi mà cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đồng thời, cần nâng mức xử phạt đối với việc bố trí lớp học quá đông theo yêu cầu của phụ huynh nhằm mục đích chọn lớp, chọn giáo viên.
Anh Vũ Đức Khải, phường Quang Trung (Hà Đông): Cần xác định chính xác như thế nào là “không trình báo với cơ quan có thẩm quyền”?
Khoản 1 Điều 4 của dự thảo quy định với hành vi làm mất quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục, quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng không trình báo với cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Chữ “không” ở đây cần cân nhắc thêm cho chặt chẽ và cần làm cho rõ nghĩa bởi nếu trong trường hợp người đứng đầu đơn vị, tổ chức hay người có trách nhiệm giữ giấy tờ đó vì một lý do khách quan (đi công tác, học tập ở nước ngoài…) nên không biết đơn vị, tổ chức của mình đã bị mất những giấy tờ đó chính xác vào thời điểm nào thì xử lý ra sao? Bản thân họ cũng không biết là mất thì có thể quy chụp là “không trình báo”? Sau bao lâu kể từ khi làm mất giấy tờ mà không trình báo với cơ quan thẩm quyền thì bị coi là vi phạm?
Bà Hoàng Thị Hằng, phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng): Phải giải quyết xong quyền lợi của người học trước khi giải thể
Với hành vi “không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc đình chỉ hoạt động hoặc giải thể; hoạt động ngoài thời hạn quy định của giấy phép; tự ngừng hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép” sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 100 triệu đồng; ngoài ra, người có hành vi này còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục quyền lợi học tập của người học” do hành vi vi phạm gây ra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (điểm b, khoản 8 Điều 5). Tôi rất băn khoăn và thấy khó hiểu vì khi vi phạm thì chủ thể đã bị buộc phải chấm dứt các hoạt động trái phép, phải giải thể… vậy khi đã không còn hoạt động thì việc khôi phục quyền lợi của người học sẽ được tiếp nối theo hướng nào? Do đó, tôi thấy cần phải quy định trình tự xử lý vi phạm theo hướng: Phải hoàn trả tiền cho học viên và các chi phí liên quan, phải khôi phục quyền lợi của người học xong rồi mới được giải thể, ngừng hoạt động…
Chị Nguyễn Thu Hà, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy): Quy định chuyển người học sang học tại cơ sở giáo dục khác cần đầy đủ hơn
Điểm d, khoản 8, Điều 5 quy định: “Buộc cơ sở đào tạo thực hiện chuyển người học sang học tại cơ sở giáo dục khác được phép” nếu vi phạm “mở lớp để giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” (Điều 3)… Với các cấp học như mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học khi chuyển người học sang học tại cơ sở giáo dục khác sẽ có nhiều lựa chọn vì có nhiều trường, nhiều cấp độ khác nhau để lựa chọn cho phù hợp. Nhưng với việc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ sẽ khó khăn hơn vì đầu vào mỗi trường có quy định, tiêu chuẩn riêng, khác nhau. Nếu những học viên chuyển sang mà không đáp ứng được các điều kiện đầu vào như học viên cũ của những cơ sở đó thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng? Nên chăng, cần quy định đơn vị tiếp nhận có quyền yêu cầu học viên chuyển sang phải đáp ứng được những điều kiện còn thiếu so với học viên cũ mà họ đang đào tạo hoặc yêu cầu đơn vị vi phạm phải có trách nhiệm trả thêm chi phí đào tạo để bảo đảm cho học viên có đủ khả năng đáp ứng các điều kiện khác của đơn vị tiếp nhận?