Du lịch Việt Nam: Thua trên “sân nhà”-vì sao?
Du lịch - Ngày đăng : 06:31, 22/03/2013
Tour nội bị "lép vế"
Kinh tế suy thoái, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế công dân đi du lịch nước ngoài để kích cầu du lịch trong nước. Trong khi tại nước ta, nhu cầu mua tour đi nước ngoài (tour outbound) gần đây lại tăng đột biến.
Du khách Việt Nam tại Nhật Bản.Ảnh: Trí Minh |
Hiệp hội Du lịch Việt Nam mới đây đã đưa ra con số, năm 2012 ước tính có khoảng 3,5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài. Trung Quốc được du khách nước ta ghé thăm nhiều nhất với khoảng 1,1 triệu lượt người, tiếp đến là Campuchia 1 triệu, Thái Lan 500 nghìn, Singapore 300 nghìn, Malaysia 200 nghìn, Hàn Quốc 110 nghìn, còn lại là số khách đến Châu Âu, Mỹ. Theo số liệu của các công ty lữ hành, tỷ lệ khách Việt Nam du lịch nước ngoài cao hơn du lịch nội địa. Khách nội đi du lịch nước ngoài của Công ty Du lịch Vietravel mỗi năm tăng 30-40%. Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết, lượng khách đăng ký tour outbound luôn tăng đột biến và công ty thường xuyên trong tình trạng khóa sổ vẫn còn khách đăng ký.
Lý giải về thực tế trên, đại diện nhiều hãng lữ hành có chung quan điểm, so với du lịch nội địa, tour nước ngoài rõ ràng hấp dẫn hơn. Không chỉ hút khách bởi dịch vụ tốt, nhiều chương trình vui chơi, giải trí, mua sắm mà còn vì giá tour tương đối ổn định, ít tăng giá theo mùa vụ. Tại thời điểm này, nhiều đơn vị lữ hành đã tung ra những chùm tour đặc sắc dành cho kỳ nghỉ lễ 30-4 sắp tới. Khảo sát bảng niêm yết giá tour tại một số hãng lữ hành dễ dàng nhận thấy, tour đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar từ 4 đến 6 ngày có giá từ 6 triệu đến hơn 10 triệu đồng, thấp hơn so với giá tour di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Lạt hoặc Phú Quốc. Thậm chí, một số tour đường bộ đi Lào, Campuchia 4 ngày chỉ gần 3 triệu đồng, rẻ hơn một số tuyến: Hà Nội - Yên Tử - Hạ Long; Hà Nội - Hà Giang - Tuyên Quang - Đền Hùng; Hà Nội - Hạ Long - Sa Pa… Vì thế, ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, các tour outbound vẫn luôn đông khách. Thậm chí, có những điểm đến thường xuyên bị "cháy tour" là Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Thái Lan, Singapore...
Thực trạng này dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu khách du lịch. Chẳng hạn, theo thống kê của Vietravel, những năm trước, khách lựa chọn tour nước ngoài chỉ chiếm 40% và còn lại là du lịch trong nước thì nay, tỷ lệ này đã đảo ngược.
"Tặng" khách cho du lịch nước ngoài
Trong khi ngành du lịch nước ta chưa có văn phòng đại diện ở bất kỳ quốc gia nào thì Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… không chỉ lập văn phòng du lịch tại Việt Nam mà còn tích cực quảng cáo, tiếp thị với những ưu đãi đặc biệt nhằm lôi kéo ngày càng nhiều du khách Việt đến đất nước họ.
Nói về thắng cảnh Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản… không thật nổi trội để tạo nên sức hút, nhưng Tổng cục Du lịch Thái Lan hay Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia lại nhắm đến sở thích mua sắm của người Việt để quảng bá cho điểm đến của họ. Văn phòng đại diện của ngành du lịch các quốc gia này đã phối hợp với nhiều đơn vị lữ hành tung ra các tour shopping cùng các chiến dịch bán hàng giảm giá, quà tặng, phần thưởng hấp dẫn. Không đứng ngoài cuộc, ngay ngày hôm nay, 22-3, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cũng phát động chiến dịch bầu chọn năm 2013 là "Năm du lịch Hàn Quốc". Không chỉ đơn thuần giới thiệu những cảnh đẹp thiên nhiên, những địa điểm du lịch vốn đã nổi tiếng, chiến dịch lần này kết hợp tổ chức cùng nhiều đơn vị lữ hành, áp dụng nhiều hình thức marketing đa dạng nhằm kéo du khách Việt đến xứ sở "kim chi".
Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng người dân trong nước đi du lịch nước ngoài thường tăng khoảng 20% mỗi năm. Năm 2012, ngành du lịch nước ta phải rất vất vả mới đón khoảng 6,8 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu đạt gần 7 tỷ USD, nhưng đã "biếu không" 3,5 triệu lượt khách với khoản chi phí 3,5 tỷ USD cho ngành du lịch các nước khác.
Du lịch nước ngoài ngày càng được nhiều người ưa chuộng bởi đây là cơ hội để họ được hiểu biết hơn về các nền văn hóa khác, nhưng có một lý do không kém phần quan trọng, như ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lý giải là tính liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ như: hàng không, nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm với các đơn vị lữ hành ở các nước rất tốt. Điều này khiến cho giá tour ổn định, không có chuyện vào mùa thì "chặt chém" nên các đơn vị lữ hành thích vì dễ tổ chức và bán tour hơn. Thêm nữa, ngành du lịch các nước đầu tư cho du lịch rất công phu và đồng bộ, sản phẩm du lịch, dịch vụ tốt và hấp dẫn. Như ở Singapore, cứ 6 tháng lại có sản phẩm du lịch mới hoặc ở Malaysia, Thái Lan liên tục có các đợt giảm giá mua sắm. "Nếu sản phẩm du lịch của chúng ta hấp dẫn, mới mẻ, được xây dựng với mức giá hợp lý, không tăng theo mùa vụ, cùng chất lượng dịch vụ được quản lý tốt thì du lịch Việt Nam không chỉ "giữ chân" du khách trong nước mà trở thành "điểm đến" thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài".