Công dân sẽ có mã số định danh?
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 21/03/2013
Theo dự thảo, mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được ghi trên giấy khai sinh, chứng minh thư. Mã số định danh sẽ được cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Dự kiến, việc cấp mã số định danh công dân sẽ được triển khai từ tháng 6-2013 đến tháng 5-2014. Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ quản lý kho số định danh cá nhân. Công an cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền cấp mã số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực khi họ đến đăng ký thường trú hoặc cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân. UBND cấp xã cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực.
Cấp mã số định danh để quản lý công dân không phải là nội dung hoàn toàn mới. Trên nghị trường Quốc hội, khi thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch, nội dung này đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Tán thành việc cấp mã số định danh, các ý kiến nhận định việc này sẽ giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp. Mặt khác, việc rút gọn vào một đầu mối qua mã số định danh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân trong các giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính cũng như các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước. Tại phường Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phường đã triển khai cập nhật thông tin của người dân vào cơ sở dữ liệu của phường. Vì vậy, khi đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), công dân không cần mang giấy tờ chứng minh nhân thân mà chỉ sử dụng vân tay để xác thực. Đây cũng có thể được xem là một hình thức để định danh công dân.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hằng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có tới 1.600 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Thực tế hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ từ giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu đến sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ... Gắn với mỗi loại giấy tờ công dân là một con số khác nhau phục vụ mục đích quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và người dân phải có trách nhiệm nhớ hết các con số của mình. Chính vì vậy trong một số trường hợp, công dân phải xuất trình cùng lúc hai hoặc nhiều loại giấy tờ. Đơn cử, khi tham gia giao thông, công dân phải mang theo 4 loại giấy tờ, gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
Nhiều người kỳ vọng, việc cấp mã số định danh công dân sẽ góp phần cắt giảm gánh nặng hành chính cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các TTHC, từng bước cải thiện mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước trong các giao dịch hành chính; đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về dân cư và đặt nền tảng phát triển chính phủ điện tử.