Khẳng định đại đoàn kết dân tộc là động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chính trị - Ngày đăng : 05:46, 21/03/2013
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, tiến bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn đất nước hiện nay, đặc biệt vấn đề quyền con người được nhấn mạnh và đề cao. Dự thảo tiếp tục khẳng định bản chất, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước của nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần làm rõ vai trò, vị thế của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong Hiến pháp, trong đó, có vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân; đồng thời đề nghị thể chế hóa phương thức lãnh đạo của Đảng. Dự thảo phải khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và Nhà nước bảo đảm hoạt động của MTTQ. Đại biểu cũng tán thành việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, song cần xác định rõ và quy định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng của các dân tộc…
* Theo Kế hoạch số 44/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, trước ngày 25-3, các cơ quan có trách nhiệm phải hoàn thành việc in tài liệu và phiếu xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các tài liệu bao gồm: Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo, bảng thuyết minh một số nội dung liên quan và phiếu xin ý kiến. Trước ngày 31-3, các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành việc gửi tài liệu, phiếu xin ý kiến và hướng dẫn lấy ý kiến đến từng hộ gia đình. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp phiếu xin ý kiến của hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn gửi về Sở Tư pháp trước ngày 20-4.
Cũng theo kế hoạch trên, UBND thành phố xác định huy động mọi sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp ở Thủ đô, tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm về Dự thảo. Mỗi người có thể góp ý về toàn bộ nội dung Dự thảo hoặc từng chương, điều, khoản cụ thể mà mình quan tâm.