Giải pháp ”sâu gốc bền rễ”
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 21/03/2013
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Chính phủ cũng đã tính toán mức độ giảm thu ngân sách, bởi cứ giảm mức thuế suất 1% thì giảm thu 6.000 tỷ đồng. Năm 2014, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng làm giảm thu khoảng 13.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian tới, việc cân đối thu ngân sách sẽ hết sức khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cân bằng thu chi ngân sách thật sự là bài toán nan giải. Tuy nhiên, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải không có cơ sở:
Thứ nhất, việc sử dụng chính sách thuế một cách linh hoạt trong từng thời kỳ nhất định, nhằm điều chỉnh chu kỳ kinh doanh (một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường) là hết sức cần thiết. Khi nền kinh tế suy thoái, đầu tư ngừng trệ, sản xuất và tiêu dùng đều giảm thì chính là lúc Nhà nước sử dụng chính sách thuế để kích thích đầu tư và khuyến khích tiêu dùng.
Thứ hai, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng vì đói vốn, vì lượng hàng tồn kho cao... Do vậy, nếu được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% ngay trong năm nay, doanh nghiệp sẽ có thêm kinh phí để giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sức mua của người tiêu dùng, góp phần giải quyết vấn đề "nóng" của nền kinh tế là sức mua kém, hàng tồn kho nhiều.
Thứ ba, nếu việc giảm thuế từ 25% xuống 20% và được áp dụng ngay trong năm 2013, doanh nghiệp sẽ có thêm khoản tiền tích lũy để tái đầu tư, đổi mới máy móc trang thiết bị, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững trên nền khoa học công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Thứ tư, các nhà quản lý cần cân nhắc tính hiệu quả giữa việc mỗi doanh nghiệp nộp thuế ít nhưng có nhiều doanh nghiệp nộp thuế và việc mỗi doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhưng số doanh nghiệp nộp thuế không nhiều… Việc giảm thuế không thể tính toán theo phép định lượng đơn thuần: Giảm vài phần trăm, thất thu cho ngân sách bao nhiêu… mà cần tính đến việc chính sách thuế sẽ tác động thế nào tới sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là một giải pháp "sâu gốc bền rễ", đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Bên cạnh một chiến lược cải cách thuế với lộ trình phù hợp và các giải pháp chống thất thu ngân sách thì việc áp dụng chính sách thuế linh hoạt trong từng thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ưu đãi về thuế suất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế chính là giải pháp bền vững cho việc tăng cường nguồn thu ngân sách.