Mơ ước ở “ốc đảo” xóm Bóp!

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:03, 20/03/2013

(HNM) - Chạy xe vượt qua 9 con suối với những cung đường rừng khúc khuỷu, mặt đường lởm chởm đá, sỏi, chúng tôi mới vào được xóm Bóp, thôn Hương Canh, nơi nghèo nhất của xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.


Mất gần nửa giờ "đánh vật" với con đường rừng nham nhở những "ổ trâu, ổ gà", nhiều đoạn ngập bùn đất, lau sậy, cây cối mọc um tùm, chúng tôi mới vào được nhà ông Nguyễn Đức Tỵ ở xóm Bóp, thôn Hương Canh. Gia cảnh ông Tỵ nghèo nhất ở cái xóm được coi là "cùng trời, cuối đất" này. Hai ông bà già đã hết tuổi lao động nhưng lại phải nuôi người con trai là anh Nguyễn Đức Thịnh vừa bị tai nạn lao động, liệt nửa người phải nằm một chỗ. Ông Tỵ, một cựu chiến binh người gầy gò, làn da đen đúa, vừa nói, vừa lấy tay lau những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hốc hác vì lo lắng cho đứa con trai, đau lòng nói: "Thịnh bị thương hồi trong Tết. Cháu đi bốc gỗ thuê cho một xưởng gỗ trên Hòa Bình không may bị trượt chân, gỗ đè vào người bị thương rất nặng, bây giờ nửa người không có cảm giác. Trong Tết gia đình đã đưa cháu ở bệnh viện về, hiện đang chạy chữa bằng thuốc Nam và châm cứu trị liệu, mong sớm khỏi bệnh". Từ một chàng trai khỏe mạnh, trụ cột chính của gia đình, giờ đây lại trở thành gánh nặng, Nguyễn Đức Thịnh buồn bã chia sẻ: "Từ ngày bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ tôi rất thương bố mẹ, mong sớm khỏi bệnh để đỡ đần ông bà trong lúc tuổi già". Thịnh đã không dấu được xúc động, lúc lúc lại đưa tay gạt đi những giọt nước mắt mặn chát. Ông Nguyễn Đức Sinh, một người hàng xóm cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Tỵ rất khó khăn, giờ chỉ trông vào 3 sào ruộng, 3.000m2 đất lâm nghiệp, thu nhập hằng tháng gần như là con số không.

Vai tích nước Bà Cảnh vừa được đầu tư xây dựng ở thôn Hương Canh. Ảnh: Đỗ Chí



"Ở xóm Bóp, những hộ gia đình như nhà ông Tỵ, người ta vẫn thường gọi là "hộ nghèo sang sổ", tức là khó khăn đến mức cán bộ xã không cần phải xét có đủ tiêu chuẩn hộ nghèo hay không" - ông Sinh chua xót nói. Xóm Bóp nơi ông Tỵ, ông Sinh và khoảng 38 hộ khác đang sinh sống được ví là "nơi tận cùng trời đất". Cũng đúng, vì những thứ cơ bản nhất cho cuộc sống con người là "điện, đường, trường, trạm" vẫn rất sơ sài. Xóm có 40 hộ thì đến 28 hộ nghèo. Có nhiều hộ, cái nghèo đã đeo bám hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Đức Sinh kể: "Điện đã được mắc vào đến xóm nhưng bằng cột tre, cột gỗ, dây điện trần nên mỗi khi có mưa bão rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhất là đường giao thông vẫn chưa được bê tông hóa, có nhiều sông, nhiều suối chạy ngang dọc, khi có lũ về lũ trẻ lại phải nghỉ học, người dân phải ngừng buôn bán, mọi thứ ngưng trệ".

Rời nhà ông Tỵ, trên chiếc Honda cũ kỹ của cán bộ địa chính xã Khánh Thượng Nguyễn Ngọc Thanh, chúng tôi tiếp tục "hành quân" qua 3 con suối, tiến sâu vào xóm Bóp, nơi có những hộ gia đình trẻ đang thực hiện khẩn hoang mong xây dựng đời sống mới. Đoạn đường không dài nhưng rất khó đi, chiếc xe phải bò từng mét, có đoạn tôi phải xuống để anh Thanh "leo" lên dốc vì sợ xe không tải nổi. Đáng ngại nhất là đi qua những vực sâu, mặt đường đất, đá lởm chởm chỉ chực chờ hất tung cả người và xe xuống vực. Đến gần giữa trưa, chúng tôi mới đặt chân vào đến tận cùng xóm Bóp. Mùa này xóm Bóp âm u, không gian thêm hiu quạnh. Ngọn núi Ba Vì cao sừng sững cũng bị mây mù bao phủ. Đứng ở con suối Bà Cảnh, phóng tầm mắt qua một thung lũng được người dân khai hoang cấy lúa, chúng tôi lờ mờ thấy những ngôi nhà mái lá tuềnh toàng nằm côi cút dưới chân núi, trông xa tựa hồ như những tổ chim. Trong căn nhà mái lá đơn sơ, vách ngăn làm bằng đất, rộng chỉ chừng 25m2 của anh Đinh Văn Bảy ở nơi tận cùng xóm Bóp chẳng có gì đáng giá. Nhìn quanh chỉ là những vật dụng giản đơn, thiết yếu nhất cho cuộc sống như bộ ấm chén, mấy chiếc xoong, nồi, bát đĩa chỏng chơ. Tài sản "hoành tráng" nhất là chiếc đài bán dẫn không rõ xuất xứ từ nước nào, rất may nó vẫn phát ra âm thanh để gia đình anh Bảy có thể theo dõi được thông tin cần thiết phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Ở cùng một dải rừng heo hút này là hộ anh Triệu Tiến Dự, người dân tộc Dao. Gia đình có 4 nhân khẩu, con trai đầu anh Dự chỉ học hết THCS đã phải ở nhà phụ giúp bố mẹ. Sinh sống nơi "cùng trời cuối đất" đã được 20 năm, nhưng chưa khi nào gia đình anh Dự thoát khỏi nghèo đói. Điểm sáng duy nhất mà chúng tôi nhận thấy là ngôi nhà vách đất của anh Dự được lợp bằng ngói và bên trong có một tài sản đáng giá là chiếc tivi. Trong một thoáng suy nghĩ, chúng tôi không thể hình dung nổi khi rét đậm, rét hại, trời nổi dông, nổi gió những con người này sẽ phải đương đầu như thế nào?

Những mơ ước ở "ốc đảo"

Thôn Hương Canh là một trong 3 thôn (cùng 2 thôn khác là thôn Mít và Bắt Còn Chèm) của xã Khánh Thượng vẫn đang thực hiện Chương trình 135. Thôn được thành lập từ những năm 1965-1966 bởi chính sách di dân ở miền xuôi lên định cư phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Những năm đầu, thôn có 46 hộ ở các huyện Thạch Thất, Đan Phượng về khẩn hoang và lập bản làng. Ông Cấn Thanh Hải là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hương Canh, một trong những người đặt dấu chân đầu tiên lên mảnh đất khốn khó này, nói: "Ngày đầu chúng tôi đến đây phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thách thức như không đường đi, không đất sản xuất, không nhà ở, không nước uống, không người thân thích… Nhưng được sự giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương cùng tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau giữa các gia đình, chúng tôi đã dần ổn định đời sống". Trải qua 48 năm thành lập, thôn Hương Canh đã đổi thay, đến nay đã có 142 hộ với 600 nhân khẩu. Tuy vậy, điều day dứt nhất với mỗi người dân Hương Canh là nghèo đói và cơ sở hạ tầng thấp kém vẫn đeo đẳng họ trong mấy chục năm qua. Vẫn là thôn có nhiều hộ nghèo nhất xã với 31/142 hộ; cơ sở hạ tầng thiếu thốn... Con đường huyết mạch vào thôn (tính từ trụ sở UBND xã) dài hơn 7km, nhưng đến nay mới bê tông hóa được khoảng 5km, còn lại hơn 2km vào xóm Bóp và khoảng 50% đường trong các bản làng vẫn là đường rừng, rất khó khăn trong việc đi lại. Nhà văn hóa thôn rộng 70m2 được tận dụng là lớp học mầm non cho khoảng 20 trẻ em. "Phấn khởi nhất đối với người Hương Canh là đã được đầu tư các công trình thủy lợi, gồm 5 vai tích nước, 3km kênh mương để phát triển sản xuất cho 11ha đất nông nghiệp. Mong mỏi bây giờ với chúng tôi là được Nhà nước tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi cho 5ha đất nông nghiệp còn lại ở xứ Đồng Sui, Đồng Lòi Thượng và Bậc Thang để người dân yên tâm sản xuất" - Chủ nhiệm Cấn Thanh Hải chia sẻ. Ông Hải là cán bộ có thâm niên nhất ở "ốc đảo" Hương Canh với 39 năm tuổi Đảng, từng kinh qua nhiều chức vụ trong đội sản xuất, Bí thư chi bộ nên tường tận gia cảnh từng hộ dân. Ông là con người sống gần gũi, trách nhiệm, biết vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên được người dân quý mến và nể phục. Bây giờ gia đình ông Hải là một trong số ít những hộ trong thôn phát triển kinh tế ở tốp khá nhờ đồi rừng kết hợp nông nghiệp, chăn nuôi. Ngoài tấm gương ông Hải, có rất nhiều người khác cũng đang vượt khó khăn để xây dựng cuộc sống mới như hộ anh Nguyễn Văn Tính, người gốc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Anh Tính lên Hương Canh lập nghiệp đã hàng chục năm nhưng phải đến năm 2010 mới thoát nghèo nhờ biết khai thác hiệu quả 2ha đất rừng, 3 sào đất chuyên trồng dong riềng và 6 sào đất nông nghiệp.

Rời thôn Hương Canh, hình ảnh người dân lam lũ, những cung đường lầy lội, hiểm trở cứ ám ảnh chúng tôi. Có mặt ở nhà ông Nguyễn Đức Tỵ hôm đó, một số người dân xóm Bóp đã kỳ vọng vào một sự đổi cho thân phận nghèo của họ. Họ gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng với niềm mong ước đơn sơ: Năm một, năm hai họ không còn phải chịu cảnh "hộ nghèo sang sổ".

Nam Phong