Cần đổi mới toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân

Chính trị - Ngày đăng : 05:51, 20/03/2013

(HNM) - Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân.


Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tiếp công dân gồm 10 chương, 71 điều, quy định về việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quản lý tiếp công dân... Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, dự thảo luật quy định Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong một tháng.

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sáng 19/3. (Ảnh: TTXVN)


Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tiếp công dân, tuy nhiên nhiều thành viên UBTVQH cho rằng các quy định của dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo xây dựng luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, dự thảo mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp công dân. Đối với việc xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhiều người - nội dung phức tạp và rất cần có cơ chế để xử lý có hiệu quả, các thành viên Ủy ban đánh giá dự thảo luật vẫn đi theo hướng quy định cách thức giải quyết mà chưa tập trung vào trình tự, thủ tục tiếp nhận cụ thể.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, dự án luật cần làm rõ được sự khác nhau giữa công tác tiếp dân để giải quyết và tiếp công dân để tiếp nhận thông tin, nghe phản ánh. Cho rằng nếu đã là tiếp công dân để giải quyết vụ việc thì phải có trách nhiệm đến cùng, Chủ tịch QH yêu cầu dự thảo bổ sung những quy định riêng về tiếp công dân giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và cơ quan dân cử.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật trước khi trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (QH khóa XIII) khai mạc vào tháng 5 tới.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Mặc dù đã sửa đổi, bổ sung 12/65 điều của Luật PCCC, song theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh - cơ quan thẩm tra thì dự thảo mới chỉ xử lý tình thế để giải quyết một số vấn đề khó khăn trước mắt, còn những vấn đề lớn, bức xúc hiện nay trong PCCC cần sửa đổi, bổ sung lại chưa được đề cập.

Đà Đông