Những điều cần lưu ý khi phạt trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 19/03/2013
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, tác giả nhiều sách giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho biết, trong quá trình làm công tác tư vấn tâm lý bà từng gặp nhiều phụ huynh khi tức giận đánh phạt con rồi sau đó lại hối hận vì hành động của mình. Vì thế để tránh những tác động tiêu cực từ việc sử dụng hình phạt, bà Thúy khuyên các bậc cha mẹ nên lưu ý 7 vấn đề sau:
1. Kiềm chế cảm xúc tiêu cực
Khi con bướng bỉnh, thay vì nóng giận, cha mẹ nên dặn lòng phải kiềm chế cảm xúc tiêu cực và giữ bình tĩnh. Cha mẹ càng bình tĩnh, giữ nét mặt bình thản, càng dễ dàng ngăn chặn cơn bướng bỉnh của trẻ.
Khi trẻ bướng bỉnh không nghe lời, cha mẹ nên giữ bình tĩnh, tránh dùng hình phạt tiêu cực với con trong cơn giận dữ. Ảnh minh họa: Thi Trân. |
Thay vì mắng chửi, cha mẹ hãy nói cho con nghe những cảm xúc của mình. Như thế sẽ tránh được việc xúc phạm con, đồng thời giúp trẻ hiểu cha mẹ hơn. Trong trường hợp này, một cử chỉ tiếc nuối thể hiện trên khuôn mặt cha mẹ hoặc một thái độ ra vẻ thất vọng nhưng vẫn tỏ ra rất tin tưởng vào sự tiến bộ, đổi thay của con mình thì tốt hơn dùng những lời lẽ cay độc.
2. Cho con cái cơ hội được nói
Khi con cái của bạn phạm lỗi hoặc có khuyết điểm nào đó không có nghĩa là trẻ không biết đau buồn. Hãy cho con bạn nói lên nỗi lòng của chúng. Cha mẹ cần hiểu được tâm tư nguyện vọng, cũng như tạo được sự gần gũi cần thiết để trẻ có thể bớt sợ sệt mà bộc lộ nguyên nhân hay lý do vì sao chúng phạm lỗi. Khi hiểu được nỗi lòng của con, sẽ giúp cha mẹ vơi đi cảm giác tức giận.
3. Nói lời xin lỗi
Nếu cha mẹ đã có những lời mắng con một cách quá đáng trong cơn giận dữ, nên thành tâm xin lỗi trẻ. Cha mẹ có thể nói một vài câu dạng như: “Hồi nãy mẹ giận quá, nên hơi quá lời, con đừng giận mẹ nhé!” hay “Chắc con ghét ba lắm phải không vì ba đã mắng con. Cho ba xin lỗi con nhé!”…
Khi được nghe những lời xin lỗi như vậy, con cái chúng ta sẽ không bùng phát những hành động tiêu cực phản kháng nữa. Đây cũng là cơ hội dạy con bài học “biết xin lỗi” và thể hiện thái độ tôn trọng con, giúp con thêm tự tin vào giá trị bản thân.
4. Ra yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, có giải thích
Thay vì quát con: “Ăn nhanh lên!” hoặc “Có muốn ăn vài roi không?” thì cha mẹ nên nói: “Con ăn nhiều mới khỏe được như siêu nhân chứ!’, “Đã trễ lắm rồi. Con phải ăn nhanh để mẹ còn dọn dẹp và nghỉ ngơi nữa chứ. Mẹ còn rất nhiều việc phải làm chứ không thể chờ con mãi”.
Chính việc đơn giản hóa của cha mẹ trước thái độ cứng đầu của đứa con sẽ giúp trẻ biết suy nghĩ về nỗi cực nhọc của cha mẹ. Từ đó trẻ cảm thấy thương mẹ cha hơn và không muốn làm trái lời người lớn.
Mỗi khi ra mệnh lệnh, cha mẹ không nên bắt trẻ thi hành vô điều kiện, phải giải thích rõ mệnh lệnh để trẻ hiểu và khiến trẻ tự giác làm theo. Ví dụ thay vì cấm trẻ: "Không được nghịch nước!", cha mẹ có thể nói với trẻ: "Mẹ nghĩ là con không nên nghịch nước lâu, nếu con nghịch nước sẽ bị ốm như bạn thỏ bông đấy!". Đừng nghĩ rằng trẻ không hiểu nên không cần phải nói. Việc nói rõ như vậy có thể khiến cho trẻ dần dần hiểu và sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh của cha mẹ hơn.
5. Mỗi khi yêu cầu gì, hãy cho con 5 phút chuẩn bị
Thay vì bắt con dừng trò chơi, dừng coi phim ngay lập tức để đi ăn, đi ngủ, đi học… thì cha mẹ nên cho con 5 phút trước khi ngừng các hoạt động yêu thích của trẻ. Hãy nói với trẻ: “Còn 5 phút nữa đến giờ dọn đồ chơi đi ngủ con nhé” hay “5 phút nữa cả nhà sẽ ăn cơm, con chuẩn bị tắt tivi nhé”. Những lời báo trước thân thiện như trên sẽ giúp trẻ dễ hợp tác, dễ vâng lời hơn là những lời ra lệnh cứng nhắc.
5 phút là khoảng thời gian tương đối cho trẻ dễ hình dung. Cha mẹ có thể uyển chuyển thay đổi “thời gian chuẩn bị” này trong phạm vi cho phép. Để tránh tình trạng trẻ mè nheo đòi thêm, thêm nữa. Cha mẹ nên đưa ra giới hạn thời gian càng sớm càng tốt. Ví dụ “Bây giờ con có 30 phút xem tivi nhé”. Khi sắp đến giờ kết thúc việc xem tivi đã được thỏa thuận trước, cha mẹ cần báo trước cho con. “Còn 5 phút nữa hết giờ xem con nhé”. Và cha mẹ nên kiên quyết thực hiện quy ước khi đã hết thời gian cho phép.
6. Tỏ thái độ thản nhiên
Những lúc đứa trẻ tỏ ra quá bướng bỉnh, nếu người lớn biết thản nhiên tự chủ thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Giận dữ, bực dọc chỉ làm cho sự việc trở nên phức tạp mà thôi. Một bé trai khóc đòi kẹo mút, cả nhà phớt lờ đi, ai làm việc người đó thì đứa bé khóc chán sẽ quay sang tự chơi trò một mình. Cách này đôi khi có tác dụng rất nhanh so với việc cố gắng thuyết phục cháu ăn vặt là xấu.
7. Dứt khoát khi cần
Tất nhiên, có những lúc bạn phải tỏ ra cứng rắn để con mình biết rằng có những chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không thể đùa giỡn được. Chẳng hạn cấm tuyệt đối việc sờ tay vào ổ cắm điện, leo trèo cạnh cửa sổ, buông tay mẹ ra trong khi đi trên đường phố. Nếu đứa trẻ bướng bỉnh trong những lúc như vậy, bạn có thể im lặng kéo con ra chỗ khác mà không cần mềm mỏng hay giải thích gì. Cứ để cho cô cậu hờn khóc một lúc, rồi giải thích lần nữa cho con tại sao không nên làm thế.
Cha mẹ phải dứt khoát khi giáo dục đứa trẻ, nếu cần phải biến lời đe doạ thành hình phạt ngay và đứa trẻ sẽ không bướng được lâu. Chúng sẽ hiểu rằng, tốt nhất là nghe lời bạn nếu không muốn bị phạt.
Tóm lại, làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình dễ dạy, nhưng có những lúc chúng ta thấy con trở chứng, cứng đầu. Sự cứng đầu đó không đáng lo ngại, đó là dấu hiệu trẻ muốn thoát ly đời sống ỷ lại để vươn lên đời sống độc lập, tự do.
"Ngựa chứng thường là ngựa hay, nếu chúng ta khéo tập luyện cho nó". Bà Thúy cho rằng nếu đứa trẻ quá dễ bảo, đặt đâu ngồi đó thì dầu nó không bệnh hoạn, tương lai nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Bởi vậy, thấy con bướng bỉnh, chúng ta không nên lo mà nên mừng. Điều quan trọng là cách giáo dục, hướng dẫn của chúng ta sao cho con trẻ phát triển đúng mức, trở thành những con người độc lập, sáng tạo, có ích cho đời.
Cha mẹ tỏ ra gần gũi thì con cái mới tin tưởng và chia sẻ những tâm tư vui buồn, từ đó sẽ giáo dục được con cái. Ngoài ra, ai cũng biết trẻ rất thích được khen nhưng người lớn thường tiết kiệm lời khen với trẻ, còn nếu bị chê mãi, trẻ sẽ tỏ ra khó chịu và bướng bỉnh hơn. "Cần khen chân thành, hợp lý, cụ thể, đúng lúc và trước nhiều người càng tốt. Muốn chê thì phải khen trước, đồng thời gợi ý cách làm tốt hơn, chê hành vi chứ không chê con người", thạc sĩ Phạm Thị Thúy đúc kết.