Cần giữ Điều 36 và Điều 66 trong Hiến pháp hiện hành
Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 19/03/2013
Trong nhiều hội nghị lấy ý kiến, các đại biểu trẻ và cả các chuyên gia đều đánh giá vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần giữ lại quy định tại Điều 66 của Hiến pháp hiện hành.
Đại biểu Thào Thị Thùy Linh (dân tộc Mông, tỉnh Yên Bái) nêu, việc cần thiết giữ lại, bổ sung, phát triển Điều 66 của Hiến pháp. Đó là "Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc". Đây là điều khoản nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong xã hội, bởi thanh niên là bộ phận tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Thanh niên có mạnh dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo các thế hệ trẻ.
Phóng viên trẻ Đinh Thị Nguyệt Minh (Báo Thanh niên) bày tỏ, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, không có một điều khoản nào nói về vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ; cũng không có quy định nào về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên, trong khi Hiến pháp hiện hành, tại Điều 36 và Điều 66 có quy định khá cụ thể về nội dung này. Vì vậy, phóng viên trẻ Đinh Thị Nguyệt Minh đồng tình với nhiều ý kiến đại diện cho tuổi trẻ cả nước đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ lại quy định hiện hành tại Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Hiến pháp sửa đổi, ở chương "Chế độ chính trị".
Phân tích sự cần thiết giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Huy Thắng, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng nhấn mạnh, thực tế cho thấy ở nước ta, Đoàn thanh niên có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng. Trong mọi thời kỳ cách mạng, công tác thanh niên đã không ngừng có những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Thanh niên thực sự là lực lượng luôn đi đầu trong các mục tiêu cách mạng và các phong trào cụ thể. Đồng thời thanh niên cũng là lớp người sâu sát nhất với thiếu niên, nhi đồng, có tác động định hướng, giáo dục, chăm lo cho các em một cách thiết thực, hiệu quả. Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến công tác thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát huy được tốt nhất vai trò và ưu thế của mình. Chính vì vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần giữ nguyên tinh thần các Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp hiện hành nói về thanh, thiếu niên.
Anh Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho rằng, Dự thảo bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 là không hợp lý, chứng tỏ nhận thức về vai trò của thanh niên chưa đầy đủ. Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 quy định "Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc". Anh Phan Văn Mãi kiến nghị không chỉ giữ lại Điều 66 và các điều liên quan tới thanh niên, đồng thời phát triển, bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp liên quan tới thanh niên và với tình hình mới. Trong đó đề nghị bổ sung thêm vào Điều 66 "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam cùng Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên"; "đây là cơ quan giám sát và thực hiện các quyền của thanh niên"… vì thanh niên là thế hệ, là một lực lượng xung kích của cách mạng, là tương lai của đất nước.