Italia: Đối mặt với khoảng trống quyền lực

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 19/03/2013

(HNM) - Đúng như dự đoán của giới quan sát sau khi không có đảng nào giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử Italia (24-2), Quốc hội nước này vẫn lâm vào tình trạng bế tắc...

Tình hình chính trường Italia tác động mạnh đến tâm lý thị trường Châu Âu.



Kết quả này không làm thay đổi một thực tế rằng, phe trung tả không nắm đủ đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội để đứng ra tự thành lập chính phủ. Vì vậy, để thành lập được nội các mới, phe trung tả phải liên minh với phe trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hoặc đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo. Tuy nhiên, B.Grillo và M5S được coi là yếu tố tạo ra cục diện bế tắc hiện nay. Vì, cuộc "hôn nhân" quyền lực giữa phe trung tả liên minh và phe trung hữu chắc chắn không thể xảy ra bởi lãnh đạo trung tả P.Bersani từng lên tiếng thẳng thừng bác bỏ khả năng này. Trong khi đó, những nỗ lực của ông Berlusconi nhằm đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Phong trào 5 Sao đến nay vẫn bị cự tuyệt. Việc Italia tiếp tục bước sang tuần thứ ba mà chưa có dấu hiệu thành lập được chính phủ mới vì những lập trường chính trị không khoan nhượng giữa các đảng phái khiến người dân tỏ ra thất vọng.

Trưởng khoa Chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế của trường Đại học Hoa Kỳ tại Roma (AUR), ông James Walston cho rằng, bế tắc chính trị có thể kéo dài đến tuần sau, thậm chí dẫn tới một cuộc bầu cử lại trong 2 đến 3 tháng nữa. Trong khi đó, truyền thông Italia đồn đoán một chính phủ chuyển tiếp có thể được thành lập như thời điểm cựu Thủ tướng Mario Monti lên nắm quyền hồi cuối năm 2011. Nhưng, một chính phủ theo kiểu "điền vào chỗ trống" như vậy sẽ không thể điều hành đất nước được lâu, đặc biệt trong bối cảnh Italia cần một quyết tâm chính trị đủ mạnh để thực hiện những cải cách kinh tế đau đớn như hiện nay. Nhìn chung, chỉ có rất ít khả năng Italia sẽ có một chính phủ chiếm thiểu số tại Quốc hội do lãnh đạo trung tả P.Bersani đứng đầu. Nếu không có được một liên minh vững mạnh, Chính phủ Italia sẽ tiếp tục là một tập hợp "chắp vá" ít nhất trong một năm nữa, trước khi hoàn toàn sụp đổ và phải bầu cử lại.

Giới kinh doanh, các chủ ngân hàng và lãnh đạo các nước trên thế giới đều hy vọng Italia sẽ sớm tìm ra một giải pháp để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị hiện nay và thành lập một chính phủ có khả năng tiến hành những cải cách cần thiết nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, dư luận đất nước bên bờ Địa Trung Hải vẫn đặt ra kịch bản phải bầu cử lại. Và, nếu điều này xảy ra, nền kinh tế vốn đang bất ổn của Italia sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các thị trường sẽ rối loạn trở lại tiếp sau cuộc khủng hoảng từng buộc chính phủ của ông Silvio Berlusconi sụp đổ vào năm 2011.

Hiện tại, nợ công của Italia đã lên tới 2,6 nghìn tỷ USD. Các nhà đầu tư lo ngại, với tình trạng hiện nay, lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của nước này sẽ tăng lên trên 6,5% trong tháng 7. Từ mức A-, hãng đánh giá triển vọng tài chính Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Italia xuống mức BBB+. Mặc dù đây vẫn là mức nằm trong danh mục nợ có thể đầu tư theo cách xếp hạng của Fitch nhưng không loại trừ khả năng Italia sẽ tiếp tục bị hạ tín nhiệm trong thời gian tới khi giới đầu tư không ngừng lo ngại về tình hình bấp bênh trên chính trường của nền kinh tế thứ 3 của Châu Âu.

Sau hai tháng các phe phái tranh đấu giành chiếc ghế Thủ tướng, cuối cùng chính trường Italia vẫn không giải quyết được tình trạng bế tắc. Ngày mai (20-3), Tổng thống Italia Giorgio Napolitano sẽ có cuộc tham vấn chính thức lãnh đạo các đảng phái chủ yếu để bàn về thành lập chính phủ mới. Nhưng, điều này không khiến dư luận hết nghi ngờ một kịch bản tồi tệ đang treo lơ lửng trên quốc gia hình chiếc ủng và những thị trường đang trông chờ Italia thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn hiện nay.

Quỳnh Chi