“Câu giờ” đến bao giờ?

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 19/03/2013

(HNM) - Ngày 5-12-2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo có kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm có tính hệ thống diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD).

Chỉ cho thấy chỗ sai mà không chịu khắc phục

Trong Kết luận Thanh tra số 1255/KL-BGDÐT ngày 5/12/2012 của Bộ GD-ÐT về một số hoạt động của Trường ÐHKTQD đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm kéo dài. Kết luận nêu rõ, Trường ĐHKTQD có nhiều sai phạm, đặc biệt là những thiếu sót, sai phạm xảy ra ở 4 nhóm vấn đề, đó là: Công tác tổ chức, cán bộ (vi phạm quyết định của Bộ Chính trị và có biểu hiện thiếu dân chủ); công tác đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo (trái quy định của Luật Giáo dục, vi phạm quy chế tuyển sinh); thu chi tài chính sai nguyên tắc (thu sai hơn 51 tỷ đồng); công tác xây dựng cơ bản (vi phạm quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư)…

Giảng đường D2 ĐHKTQD - Công trình có nhiều sai phạm trong quản lý xây dựng được Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện.



Điều đáng nói, trước khi Thanh tra Bộ GD-ĐT vào cuộc thì Kiểm toán Nhà nước (hai năm 2008 và 2009) cũng đã kiểm tra và kết luận, kiến nghị về những sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính. Chỉ xin đơn cử một ví dụ: Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với Trường ĐHKTQD năm 2011 cho niên độ kế toán 2010: "Tổng số thu của trường là 317,485 tỷ đồng, tăng 4,184 tỷ đồng so với số trường báo cáo… tăng thu bổ sung kiến thức sau đại học là 3,618 tỷ đồng; tính thiếu số thu sân ten nis 295,1 triệu đồng và một số khoản khác là 7,649 tỷ đồng; thu vượt học phí chính quy hệ đào tạo đại học so với quy định 447,765 triệu đồng. Đối với bậc cao học, ngoài thu học phí theo khung quy định, trường còn thu thêm khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo và thu tiền học ngoài giờ với số tiền là 14,817 tỷ đồng, trong khi không có căn cứ tính toán chi tiết cho khoản thu này". Kiểm toán Nhà nước kiến nghị: Chấm dứt việc thu học phí, lệ phí vượt quy định và thu của sinh viên các khoản chưa có quy định của Nhà nước.

Kiến nghị của kiểm toán là vậy, thế nhưng Trường ĐHKTQD không hề tiếp thu, có giải pháp khắc phục sai phạm, ngược lại còn tiếp tục "lún" vào sai phạm. Kết luận thanh tra (qua thanh tra năm 2009 - 2011) trong phần "Thu chi tài chính" đã chỉ ra rằng, Trường ĐHKTQD đã thu sai, thu vượt nhiều khoản như: Thu kinh phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định với số tiền là: 22,173 tỷ đồng; thu vượt quy định về học phí hệ chính quy số tiền là: 3,073 tỷ đồng; thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh các hệ số tiền là: 7,906 tỷ đồng; thu ngoài quy định số tiền là: 18,407 tỷ đồng; thu phí trông xe vượt quy định số tiền là: 229,536 triệu đồng. Như vậy, số tiền Trường ĐHKTQD đã thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng… Rõ ràng, Trường ĐHKTQD đã coi thường pháp luật, bất chấp kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ngang nhiên tiếp diễn vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh những sai phạm về quản lý, thu chi tài chính thì việc quản lý đầu tư xây dựng của Trường ĐHKTQD cũng rất… có "vấn đề". Những tưởng, với một trường đại học đầu ngành trong cả nước, chuyện xây dựng cơ bản sẽ được triển khai một cách bài bản, bởi ở đây không thiếu những chuyên gia am tường về các lĩnh vực này, thế nhưng, Trường ĐHKTQD lại đang là cơ quan có những công trình xây dựng kéo dài gây lãng phí lớn và lỗi này được lãnh đạo nhà trường biện minh bằng việc đổ cho… cơ chế cấp vốn.

Cùng với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như kết luận thanh tra đã chỉ ra, Hànộimới xin dẫn thêm sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐHKTQD về công tác đào tạo. Kết luận Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, việc chuyển 54 sinh viên từ Trường Đại học Tây Bắc về học tại trường là không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng và các hợp đồng liên kết. Việc triển khai chương trình bồi dưỡng sau đại học và cấp chứng chỉ cho 787 người học; việc sử dụng kết quả này thay thế nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người là không phù hợp Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo thạc sỹ. Với những ai am hiểu về công tác đào tạo đều có thể biết, việc chuyển 54 sinh viên từ Trường Đại học Tây Bắc với điểm đầu vào thấp hơn rất nhiều vào Trường ĐHKTQD thực chất là những cuộc "lách luật" về điểm. Dĩ nhiên, với mỗi học viên không đủ điểm chuẩn được "đi vòng" qua Đại học Tây Bắc để đàng hoàng vào ngồi chung với những sinh viên khác ở ĐHKTQD sẽ phải "có giá" của nó. Vấn đề còn lại là phải làm rõ xem giá ở đây là bao nhiêu, ai được lợi trong sự khuất tất này?

Xử lý kỷ luật kiểu… "câu giờ"?

Chính vì cách xử lý khó hiểu của Bộ GD-ĐT trước những sai phạm nghiêm trọng là cho Ban Giám hiệu Trường ĐHKTQD tự kiểm điểm đã dẫn đến chuyện "câu giờ". Và trong tất cả các cuộc họp kiểm điểm, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam luôn khẳng định là mình làm đúng. Trước thái độ thiếu cầu thị của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam, các nhà giáo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD đều tỏ ra bức xúc. GS.TS Nguyễn Văn Thường, nguyên Hiệu trưởng giai đoạn 2003 - 2008 cho rằng: "Theo tôi, nếu đồng chí Nam còn lòng tự trọng thì nên viết đơn xin từ chức và xin lỗi toàn thể đại biểu, cán bộ giáo viên". GS.TSKH.NGND Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng giai đoạn 2002-2003 viết: "Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam là người có năng lực hạn chế nhưng tham quyền, độc đoán, tự cao tự đại, xem thường quần chúng, xem thường dư luận, là người đánh mất uy tín của Đảng bộ và của Trường ĐHKTQD trước xã hội".

Trong thư gửi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, GS. Lê Du Phong viết: "Rất tiếc là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đã xem thường Bộ. Ngay sau khi Thanh tra Bộ công bố các sai phạm thì ông Nguyễn Văn Nam và phe cánh đã ép Phó Hiệu trưởng Phan Công Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Viết Lâm và Chủ tịch Công đoàn Đào Phương Liên ký bản thành tích của hiệu trưởng dài 52 trang gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Việc kiểm điểm qua loa (chủ yếu là báo cáo thành tích) và xúi một số tay chân phát biểu tâng bốc ngày 27-2-2013 khi đoàn của Bộ về họp kiểm điểm càng cho thấy sự coi thường đó với Bộ".

Phản ứng lại những bức xúc của cán bộ, đảng viên nhà trường, tại đại hội công nhân viên chức của trường, ông Nam hùng hồn tuyên bố: "Tôi sẽ làm Hiệu trưởng đến tháng 8 năm 2013". Có lẽ cao điểm của sự coi thường Bộ chủ quản đó là vào cuộc họp kiểm điểm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng được tổ chức vào hồi 14h ngày 27-2-2013 khi có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga dẫn đầu đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT về dự. Ông Nguyễn Văn Nam đọc bản kiểm điểm, chủ yếu là biện minh cho các sai phạm đã được Thanh tra Bộ kết luận và cuối cùng là xin kiểm điểm rút kinh nghiệm. Sau khi đoàn cán bộ của Bộ cho rằng, bản kiểm điểm của ông Nam chưa thẳng thắn, chưa đạt yêu cầu, đề nghị dừng cuộc kiểm điểm và yêu cầu ông Nam viết lại bản kiểm điểm thì ông Nam lớn tiếng: "Tôi rất tâm huyết với bản kiểm điểm của tôi, tôi thấy thế là hết sức đầy đủ… và chúng tôi sẵn sàng tổ chức họp hai, ba cuộc nữa cũng chẳng sao". Điều đáng lưu ý là, khi thời hạn công bố các xử lý sai phạm tại Trường ĐHKTQD đã hết, cuộc kiểm điểm ngày 27-2-2013 bất thành thì ngày 1-3-2013, ông Nguyễn Văn Nam lại được lãnh đạo Bộ cử đi công tác hai tuần tại Mỹ. Và tất nhiên, khi ông Nguyễn Văn Nam đang "vi vu" tại Mỹ, thì lãnh đạo Bộ chẳng cách nào khác buộc phải ngồi chờ ông hiệu trưởng về nộp lại bản kiểm điểm khác mới có thể tiếp tục tiến hành kiểm điểm. Đúng là chuyện thật như đùa!

Với những sai phạm kéo dài tại Trường ĐHKTQD, để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ GD-ĐT có đủ chức năng, thẩm quyền tạm đình chỉ chức danh hiệu trưởng để tiến hành kiểm điểm, có như vậy, việc kiểm điểm mới có thể diễn ra khách quan, chất lượng. Thế nhưng không biết vì lý do gì, ông Nam vẫn được cho tại vị và Bộ lại giao cho hiệu trưởng tự tổ chức kiểm điểm? Dư luận cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong trường cho rằng, dẫu có họp bao nhiêu cuộc nữa cũng chẳng có kết quả, hoặc có cũng không chính xác, khách quan khi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" và bao che vẫn còn tái diễn.

Hà Trang