Người muốn mang gạo Việt tới Châu Âu
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 08:16, 18/03/2013
Ông Nguyễn Hoàng Tuyển. |
Sang Ba Lan từ năm 1990, ông Nguyễn Hoàng Tuyển là nhà đầu tư khá thành công trong lĩnh vực thương mại và phân phối thực phẩm. Ông đang sở hữu cũng như có cổ phần trong nhiều công ty ở Ba Lan như Aseanpl (kinh doanh trung tâm thương mại, nhà cho thuê, văn phòng, kho, bãi…); Mixfood (phân phối sản phẩm mì ăn liền); Biogreen Group (phân phối thực phẩm xanh, sạch)… và ông cũng có cổ phần trong Công ty Sinh Thuận chuyên sản xuất bia tươi công nghệ CH Séc, hiện có nhà hàng tại 107 Pauster, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Cũng như nhiều người Việt Nam khác đến Đông Âu vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tuyển đã kinh doanh nhiều ngành nghề và trải qua không ít sóng gió thương trường. Gần đây nhất, năm 2008 khủng hoảng kinh tế khiến rất nhiều công ty làm ăn thua lỗ, phá sản và công ty của ông cũng không nằm ngoài vòng quay đó, thậm chí có thời điểm công ty đã đứng bên bờ vực phá sản. Thế nhưng, sóng gió rồi cũng qua. Ông cho rằng: "Trong kinh doanh, thách thức cũng như cơ hội luôn đi liền với nhau, điều cốt yếu là người chèo lái phải kiểm soát được sóng gió".
Hiện nay, một trong những công ty ông tâm huyết nhất là Biogreen Group, chủ yếu phân phối sản phẩm xanh, sạch của Thái Lan. Cũng chính điều này khiến ông trăn trở về các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Câu hỏi tại sao gạo Việt Nam luôn được công bố đứng vị trí dẫn đầu, số 1, số 2 nhưng những thị trường khó tính lại chọn gạo Thái Lan… luôn khiến ông băn khoăn. Ngay tại Ba Lan, gạo Việt Nam có "chen" được vào thị trường thì giá thành cũng không cao do bị đánh giá chất lượng thua kém gạo nước khác. Vì vậy, đưa gạo và các sản phẩm từ gạo như bánh phở, bánh đa nem, bánh tráng, bún… vào Ba Lan nói riêng và Châu Âu nói chung là ước mơ của ông. Đó là cách mà theo ông, "một người con xa quê hương muốn làm gì đó cho Tổ quốc", cụ thể là qua các dự án kinh doanh nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, do các nước quy định rất chặt về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nên một sản phẩm nông nghiệp vào được Châu Âu không phải dễ. Để thực hiện dự án của mình, những lần về Việt Nam, ông dành nhiều thời gian đến "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long, trực tiếp ra đồng ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… để tìm hiểu. Theo ông, lý do tại sao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam không cao cũng là điều mà các nhà quản lý và nhà xuất khẩu Việt Nam biết nhưng vẫn chưa khắc phục được. Đó là chất lượng gạo thường không đồng đều, sản phẩm bị lai tạp, không đáp ứng được đòi hỏi tiêu chuẩn cao của thị trường Châu Âu… Vì thế, dự án đưa gạo Việt vào Ba Lan của ông cũng bắt đầu kế hoạch với những giải pháp nhằm hạn chế các điểm yếu này, trong đó có việc tìm đối tác để hỗ trợ về thông tin, hợp tác vốn, xây dựng chiến lược marketing, xây dựng các kho tạm trữ để bảo quản sản phẩm… nhằm đưa tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, thời hạn sử dụng lâu hơn…
Dù đã nhiều lần về Việt Nam tìm hiểu để đưa nông sản Việt sang Ba Lan và đến nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp, nhưng ông Tuyển vẫn tin tưởng vào dự án của mình. Theo ông Tuyển, bà con kiều bào dù ở những vị trí khác nhau, công việc khác nhau nhưng ai cũng muốn đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Vậy nếu chất lượng sản phẩm đáp ứng được để vào thị trường và giá cả phù hợp, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay thì sẽ tiêu thụ được. Và, không chỉ là hiệu quả kinh tế, thêm một lý do khiến ông kiên trì mang hạt gạo Việt và các sản phẩm từ gạo sang Châu Âu là ẩm thực cũng là "kênh" hiệu quả để người bản xứ hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc Việt và để các thế hệ người Việt trong tương lai có thêm điều kiện lại gần hơn quê hương qua các sản phẩm quê nhà khi họ sinh sống xa đất mẹ.