Xây dựng hạ tầng đồng bộ
Xe++ - Ngày đăng : 08:09, 18/03/2013
Bưu chính - Viễn thông Hà Nội sẽ có bước phát triển mới trong những năm tới. |
Những năm qua, BC-VT Hà Nội đã có bước phát triển mạnh, mạng lưới được đầu tư hiện đại, góp phần phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước thành phố. Song để phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước cũng có vai trò quan trọng, trong đó có vai trò định hướng để làm căn cứ cho DN xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.
Theo dự thảo quy hoạch, mạng BC Hà Nội đã có sự phát triển rộng khắp, 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, BC vẫn mang tính thủ công, chưa tiếp cận được công nghệ hiện đại trên thế giới, nhất là thiếu kinh nghiệm về quản lý so với DN nước ngoài. Vì vậy, trong dự thảo quy hoạch này, Hà Nội dự báo theo cam kết WTO, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bưu chính từ tháng 1-2012, thực tế này đòi hỏi các DN trong nước phải đổi mới sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tự động hóa. Theo đó, ngành BC sẽ phải đầu tư các thiết bị hiện đại, cử cán bộ đi đào tạo… mà trong đó có việc đưa ra dịch vụ BC điện tử (E-post) để hỗ trợ kinh doanh BC truyền thống. Cùng với đó là việc DN BC phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào việc chia, chọn bưu phẩm, bưu kiện tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động của con người; đồng thời phát triển các dịch vụ BC mới. Hà Nội cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2020, toàn thành phố có 1.130 điểm phục vụ với bán kính bình quân 0,97 km/điểm, số dân phục vụ bình quân là 7.041 người/điểm phục vụ. Đồng thời, BC Hà Nội thực hiện lắp đặt các thiết bị bán ấn phẩm tự động như tem, báo, phong bì, bưu thiếp tại các khách sạn lớn, trung tâm thương mại, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm; lắp hộp thư tập trung tại các chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp… Đến năm 2030, quy hoạch định hướng ngành BC tiếp tục được hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Viễn thông là lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ, song bên cạnh việc đầu tư hạ tầng cũng tạo ra những hệ lụy như gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí hệ thống dây, cáp đi nổi gây nguy hiểm. Vì vậy, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đầu tư kinh phí để thực hiện xây dựng mạng ngoại vi với việc triển khai các dự án hạ ngầm, kết hợp chỉnh trang các tuyến phố. Trong giai đoạn mới, thành phố tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng VT đồng bộ theo hướng hội tụ với CNTT và truyền thông, bảo đảm cho nhu cầu phát triển nền hành chính điện tử Hà Nội đến năm 2030… Cụ thể, đến năm 2020, Hà Nội đạt mật độ điện thoại cố định 21 thuê bao/100 dân, di động đạt 212 thuê bao/100 dân; internet băng rộng cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình truy nhập internet đạt 70-75%; thực hiện hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đô thị 80-90% hệ thống cáp viễn thông khu vực nội thành và 50-60% khu vực ngoại thành... Định hướng đến năm 2030, ngành VT Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hội tụ đa ngành cung cấp dịch vụ.
Sở TT-TT đã báo cáo UBND TP Hà Nội dự thảo quy hoạch này tại cuộc họp cuối tuần qua và được biết thành phố cơ bản đồng tình với bản dự thảo này. Theo quy định, quy hoạch BCVT không phải trình HĐND thành phố và thành phố sẽ phê duyệt sau khi Sở TT-TT hoàn chỉnh và trình lần cuối.