Kiều bào: Cầu nối đưa hàng Việt thâm nhập thị trường quốc tế

Kinh tế - Ngày đăng : 08:02, 18/03/2013

(HNM) - Đóng vai trò là cầu nối tự nhiên giữa Việt Nam với các nước, lực lượng kiều bào, nhất là các doanh nhân, luôn mong muốn đưa hàng Việt đến với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đưa hàng Việt thâm nhập thị trường quốc tế.

Thông qua kiều bào, nhiều doanh nghiệp dệt may đã giành được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nước ngoài.Ảnh: Như Ý



Hiện, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức. Mỗi năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó rất nhiều người về để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Đến nay, cả nước đã có khoảng 3.500 công ty được thành lập hoặc góp vốn từ kiều bào, với tổng số vốn đăng ký hơn 8,4 tỷ USD. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ… cho thấy, lượng kiều bào sống tại các quốc gia chính là cầu nối hữu hiệu để phổ cập rộng rãi hàng hóa của các quốc gia này. Bởi dù sống, làm việc tại bất cứ quốc gia nào thì nếp sống, thói quen sinh hoạt của kiều bào các nước nói chung, người Việt ở nước ngoài nói riêng, vẫn giữ những đặc trưng riêng; chưa kể ý thức dân tộc và tình cảm hướng về quê hương khiến họ dành nhiều ưu ái cho các sản phẩm quê nhà. Thống kê cho thấy, ước tính giá trị hàng Việt Nam được người Việt định cư ở nước ngoài tiêu thụ mấy năm gần đây tăng lên đến gần 100 triệu USD/năm. Hàng xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng đạt khoảng 10 triệu USD/năm. Năm 2012, lượng kiều hối về Việt Nam đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD. Chỉ trong dịp Tết vừa qua, lượng tiền mà kiều bào sử dụng lên đến hàng trăm triệu USD. Điều đó cho thấy, nếu Nhà nước có chính sách thu hút tốt sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), kết quả trên còn nhỏ so với tiềm lực xuất khẩu của nước ta, cũng như sức mua của cộng đồng người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, mỗi khi về Việt Nam, hầu hết kiều bào đều tìm mua hàng Việt để sử dụng. Điều đó thể hiện phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ phát huy hiệu quả ở trong nước mà còn lan tỏa trong cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Mặc dù ý thức và nhu cầu sử dụng hàng Việt của kiều bào rất lớn, nhưng thực tế cho thấy sự hạn chế trong công tác truyền thông và xây dựng thương hiệu là những rào cản lớn để hàng Việt đến với kiều bào ta ở nước ngoài. Đơn cử tại Ucraine, hiện có hơn 10.000 người Việt đang sống và làm việc, nhưng do việc giới thiệu hàng Việt còn hạn chế, thiếu thông tin và hàng mẫu nên việc xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này còn khiêm tốn.

Những năm qua, hàng trăm DN Việt đã xây dựng được thương hiệu riêng và thành công tại thị trường trong nước nhưng tại các nước trên thế giới, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan… nên khó tiếp cận được người tiêu dùng. Trong chỉ thị ban hành tháng 9-2012 về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý công tác giới thiệu và đưa hàng Việt đến với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ để giúp DN Việt nắm bắt thông tin và các cơ hội xuất khẩu, nhất là những khu vực tập trung nhiều người Việt sinh sống. Tuy nhiên, để khắc phục những "nút thắt" trong kế hoạch đưa hàng Việt Nam đến được với kiều bào, cũng như ra thế giới, công tác xúc tiến thương mại cần tập trung vào các mặt hàng, thị trường trọng điểm, phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh của DN trong nước. Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện chương trình vinh danh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài; mời các doanh nhân Việt định cư ở nước ngoài về tìm hiểu hàng hóa trong nước, tạo cơ hội nhập khẩu hàng Việt Nam; đồng thời, khuyến khích doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài liên kết kinh doanh với các đối tác trong nước hoặc với chính người bản xứ hợp tác sản xuất, gia công, chế biến hàng Việt ở nước sở tại. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, các đoàn giao dịch thương mại tại những thị trường có nhiều người Việt sống như Mỹ, EU, Đông Âu; tạo cơ hội cho các DN trong nước gặp gỡ DN Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến kiều bào. Về phía DN, cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam, không ngừng đổi mới mẫu mã, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ tín nhiệm với khách hàng; tận dụng kênh phân phối này để tăng cường xuất khẩu, thâm nhập vào thị trường thế giới và tìm các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.

Thanh Hiền