Các nghệ sĩ với tương lai điện ảnh nước nhà

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 17/03/2013

(HNM) - Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam vừa diễn ra thật xúc động ở Hà Nội với sự hiện diện của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên tên tuổi, vị thế của điện ảnh cách mạng Việt Nam suốt sáu thập kỷ qua.

Hànộimới đã ghi lại tâm tư của một số nghệ sĩ điện ảnh nhân dịp này!

1. Đạo diễn, NSND Huy Thành (sinh năm 1931, lớp đạo diễn khóa I Trường Điện ảnh). Ông là tác giả của trên 30 phim truyện và 2 phim tài liệu. Trong đó phim truyện "Nổi gió" đoạt Bông sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất. Điềm đạm và sâu sắc, ông nhấn mạnh: Điều cốt yếu là phải có một chiến lược điện ảnh lâu dài!

Điện ảnh cách mạng nước ta trong suốt 60 năm qua đã phát triển đồng bộ ở nhiều thể loại. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nói về cái sắp tới. Tôi cho rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay có một lợi thế lớn là được đào tạo bài bản và được tiếp xúc mạnh mẽ với thế giới. Điện ảnh mà không được tiếp xúc với bên ngoài thì khó phát triển lắm. Thực sự, những năm gần đây, điện ảnh của chúng ta đã manh nha một lực lượng trẻ rất có năng lực. Nhưng muốn để điện ảnh Việt có chỗ đứng trong lòng khán giả, có uy tín với thế giới thì điều cốt yếu là cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài 5 năm, 10 năm, 20 năm. Điện ảnh không thể không có sự đầu tư của Nhà nước!

Đến hẹn lại lên - một bộ phim hay của điện ảnh cách mạng Việt Nam.


2. NSND Thế Anh (sinh năm 1938), chàng Trung úy Phương với nụ cười và điệu huýt sáo quyến rũ trong phim truyện "Nổi gió" 43 năm trước, nay vẫn hóm hỉnh và say mê với nghề diễn. Ông đã tham gia vào khoảng hơn 60 bộ phim, trong đó hơn một nửa là phim truyện nhựa. Nhiều bộ phim mà ông đảm nhiệm vai chính đã đoạt giải cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Chia sẻ của ông gieo vào lòng người nghe một nỗi buồn man mác: Tôi cứ chờ mãi, chờ mãi một thành tựu quốc tế của điện ảnh hôm nay…!

60 năm, một chặng đường biết bao yêu mến của điện ảnh nước nhà, làm sao có thể nói là không vui, không xúc động được. Dịp này chúng tôi được gặp lại bao đồng nghiệp, bạn bè, đồng chí, để rồi, giật mình vì 60 năm qua điện ảnh Việt Nam đã làm được những điều thật đáng cảm phục. Trong đó, hạnh phúc là mình cũng góp một phần nho nhỏ. Nhưng bên cái vui, phải nói thật là cũng xen lẫn cái buồn man mác. Giá như, hôm nay ta có một vài giải thưởng nước ngoài, một vài đoàn điện ảnh vừa nhận giải thưởng quốc tế trở về thì sung sướng biết bao nhiêu. Giống như lễ tết, con cháu về thăm ông bà, báo cáo: đây cháu nó vừa tốt nghiệp thạc sĩ hay tiến sĩ ở Mỹ về, thì có phải vui không! Giá như điện ảnh của mình vươn lên được, thôi thì không bằng nhưng cũng víu được cái áo tầm cỡ thế giới, có tên trong danh sách phim được đề cử của liên hoan phim quốc tế chẳng hạn. Mà không biết đến bao giờ! Tôi thì tuổi cao mất rồi, nhưng vẫn cố vươn lên, vẫn chờ và chờ mãi…

3. NSND Nguyễn Thước (sinh năm 1953), quay phim chính của khoảng hơn 20 phim tài liệu; hai lần đoạt giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ X và XI. Ông đặt vấn đề: Chúng ta đã thực sự có một môi trường sáng tác tốt chưa?

Ở mảng phim tài liệu, thế hệ cha anh của chúng tôi đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng của mình, trong đó rất nhiều bộ phim tài liệu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những năm gần đây, người làm phim tài liệu tự nhận thấy có một khoảng cách khá xa của điện ảnh tài liệu Việt Nam với điện ảnh tài liệu thế giới. Trong khi đó, bối cảnh đất nước chúng ta đã, đang và vẫn là một môi trường khơi gợi rất nhiều đề tài cho mảng phim này.

Có lúc tôi tự hỏi môi trường sáng tác của chúng ta đã tốt chưa? Có lẽ tự mỗi người nghệ sĩ phải nỗ lực vượt lên chính mình. Và hơn thế rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước cho thế hệ đạo diễn phim tài liệu sau này, đặc biệt là đào tạo. Sự vươn lên của điện ảnh Hàn Quốc trong hai, ba thập kỷ qua là ví dụ tiêu biểu cho một chiến lược điện ảnh mang tầm quốc gia.

4. NSƯT Trần Lực (sinh năm 1963), thuộc thế hệ diễn viên, đạo diễn thành danh trong những năm đất nước đổi mới, từng được trao giải Diễn viên xuất sắc cho vai Hùng, phim "Đời hát rong" tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ X, năm 1993. Trần Lực cũng là người vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" (năm 2003). Anh nói về các nghệ sĩ đi trước: Cho đến nay họ vẫn là thần tượng của tôi!

Thú thực, dịp kỷ niệm 60 năm điện ảnh cách mạng vừa qua, khi nghe bài hát "Bài ca trên núi" trong phim "Vợ chồng A Phủ" tôi đã rớm nước mắt. Tôi nhớ về các nghệ sĩ lão thành của điện ảnh nước nhà, những nghệ sĩ từng là thần tượng của chúng tôi và đến nay vẫn là thần tượng của chúng tôi như nghệ sĩ Trần Phương, Đức Hoàn…

Nói về điện ảnh hôm nay, là người đứng đầu một hãng phim tư nhân, tôi nhận thấy sự thật là các hãng phim tư nhân nói riêng và các hãng phim của Việt Nam nói chung đang góp phần làm phong phú nền điện ảnh Việt. Nói gì thì nói, một nền điện ảnh muốn phát triển thì phim sản xuất ra phải phong phú, đa dạng. Mọi người nói điện ảnh đi xuống. Tôi thì không nghĩ như vậy. Rõ ràng trong điều kiện không ít khó khăn như hiện nay, phim Việt trên cả truyền hình và rạp chiếu vẫn được sản xuất, vẫn có khán giả. Đương nhiên, muốn có những tác phẩm chất lượng cần phải có sự sàng lọc của thời gian. Tôi thấy cũng đã xuất hiện những cá nhân có năng lực và thực sự tâm huyết. Vì vậy, tôi tin vào sự phát triển của điện ảnh Việt trong tương lai.

Hải Giang