Trị bệnh từ gốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 17/03/2013
Tình trạng "công bộc của dân" ăn lương nhà nước, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", làm việc riêng trong giờ hành chính…, không phải vấn đề mới. Thậm chí, có thể nói đã trở thành thứ "bệnh" trầm kha trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Điều đáng nói là mặc dù đã bắt được "bệnh", kê được "thuốc", nhưng dường như vẫn chưa đủ liều để có thể điều trị căn "bệnh" nói trên.
Trị bệnh, phải trị tận gốc! Vậy gốc của "bệnh" là ở đâu?
Hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm, yếu tố răn đe để làm gương trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hầu như không có, là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm đạo đức công vụ của cán bộ công chức. Điều này hoàn toàn đúng! Tuy nhiên, gốc bệnh vẫn không phải ở đó. Bởi lẽ mỗi cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và công việc được giao cho công chức phải được thực thi và hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị thật sự nghiêm túc nêu gương sáng trong chỉ đạo, điều hành; biết phân công cán bộ công chức dưới quyền đúng khả năng được đào tạo; đồng thời xác định trình tự công việc, định mức thời gian hợp lý và có cơ chế khuyến khích phù hợp…, chắc chắn cán bộ công chức không dám và không thể tắc trách trong công việc, không thể "ăn cắp" giờ hành chính cho những việc riêng.
Liên quan đến công tác quản lý cán bộ công chức, một vấn đề nữa tuy nhỏ nhưng lại có tác động không nhỏ là thời gian nghỉ giữa giờ (nghỉ trưa) ở ta khá dài (thường là khoảng từ 11h30 đến 13h30). Điều này có từ thời bao cấp với mong muốn tạo khung giờ rộng để cán bộ công chức có thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Khi chuyện "cơm nhà" trở nên cách rách, hàng quán mọc lên khắp nơi, một thói quen mới đã hình thành mà biểu hiện dễ thấy nhất là chuyện nhậu nhẹt vào buổi trưa. Nếu như bên cạnh quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia vào buổi trưa, chúng ta có cách thức bố trí thời gian nghỉ giữa ca hợp lý hơn như một số nước phát triển trên thế giới (khoảng 1 giờ đồng hồ), rất có thể "căn bệnh" la cà, quán xá của một bộ phận công chức sẽ thuyên giảm.
Và cuối cùng, nguyên nhân sâu xa chính là bộ máy hành chính cồng kềnh như một vị lãnh đạo đã đề cập: Có thể giảm 30% số lượng nhân sự mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của cơ quan. Các cụ ngày xưa nói "nhàn cư vi bất thiện", "bệnh" la cà quán xá "ăn vào máu" của những người đến công sở nhưng không có việc làm hoặc là không đủ năng lực giải quyết công việc cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta nói đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, nhưng thực tế nơi này, nơi kia bộ máy hành chính vẫn tiếp tục "phình to". Nếu các cơ quan quản lý nhà nước thật sự quyết tâm rà soát, tiến tới cắt giảm số người "có cũng như không" này, nhất định tình hình sẽ có chuyển biến tích cực.
Việc kiểm tra xử lý cán bộ công chức "ăn cắp" giờ hành chính phục vụ cho việc riêng là hết sức cần thiết, nhưng suy cho cùng vẫn là "bề nổi". Vấn đề cốt lõi là nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả công việc của bộ máy hành chính. Điều này cũng không mới, nếu không muốn nói đã được đề cập rất nhiều, thế nhưng chưa làm được bao nhiêu.
Nếu không trị từ gốc, thứ "bệnh" trầm kha kể trên của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức sẽ còn phát tác.