Buôn lậu xăng dầu: SOS!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 16/03/2013

(HNM) - Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù những tháng đầu năm nay giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng khá cao, song Chính phủ đã quyết định sử dụng quỹ bình ổn mà chưa tăng giá dầu trong nước.


Cuối tháng 2-2013, Chính phủ đã quyết định sử dụng quỹ bình ổn giá và một số công cụ tài chính nhằm giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu. Quyết định này đã khiến giá bán lẻ hai mặt hàng này tại Việt Nam thấp hơn các nước có chung đường biên giới với nước ta, dẫn đến khả năng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới tăng cao. Theo Bộ Tài chính, giá xăng RON 92 tại thị trường Việt Nam hiện thấp hơn Trung Quốc hơn 2.000 đồng/lít, thấp hơn Lào hơn 4.000 đồng/lít, thấp hơn Campuchia hơn 5.300 đồng/lít.

Tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới ngày càng gia tăng.



Trên thực tế, nhiều vụ buôn lậu xăng, dầu đã được lực lượng chức năng phát hiện trong 2 tháng trở lại đây. Ngày 2-3, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã phát hiện vụ vận chuyển trái phép 150 tấn dầu diesel trên vịnh Bắc bộ. Theo nguồn tin của trinh sát, tại cảng Vạn Gia (Quảng Ninh), có khoảng 10 phương tiện cải trang theo dạng tàu đánh cá có biểu hiện nghi vấn sẽ nhận dầu diesel, sau đó tái xuất sang Trung Quốc nhưng mục đích cuối là đưa hàng quay trở lại nội địa tiêu thụ. Sáng sớm ngày 2-3-2013, Hải đội 1 đã kiểm tra tàu Quế Phòng, biển kiểm soát số 01619 do ông Từ Khâm (sinh năm 1959) thường trú tại thị trấn Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu vận chuyển khoảng 150 tấn dầu diesel, trị giá khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chủ tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng. Theo xác minh của lực lượng chức năng, tàu Quế Phòng 01619 đã rời cảng Vạn Gia ngày 22-2-2013 đi Bạch Long (Trung Quốc). Tuy nhiên, tàu Quế Phòng đã quay ngược hướng, trở lại vùng biển Việt Nam để tiêu thụ dầu trái phép. Nếu vụ vận chuyển trót lọt, một lượng lớn tiền thuế nhập khẩu lẽ ra phải nộp vào ngân sách nhà nước sẽ chảy vào túi những đối tượng vi phạm.

Khu vực biển Đông bắc, Tây nam và các cảng biển Vũng Tàu, Đà Nẵng cũng được coi là những điểm nóng của hoạt động buôn lậu xăng, dầu. Theo ngành chức năng, đối tượng buôn lậu thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như thay đổi địa điểm lên, xuống hàng, quay vòng hồ sơ xuất khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hành trình vượt tuyến sang nước ngoài để thực hiện hành vi gian lận. Ngày 2-3, tại vùng biển tỉnh Quảng Nam, Cảnh sát biển vùng 2 đã phát hiện tàu PVT Dragon của Công ty CP Vận tải dầu khí, do ông Hồ Hoàng Tuấn (SN 1958, quê Quảng Bình) làm thuyền trưởng, bán dầu cho tàu Quảng Hà 09 thuộc Công ty Kinh doanh xăng dầu Dung Quất. Kiểm tra tàu Quảng Hà, cơ quan chức năng phát hiện trong khoang hàng chứa 10.000 lít dầu diesel không có hóa đơn, chứng từ.

Chủ động ngăn chặn

Ngay sau chỉ đạo giữ ổn định giá xăng, dầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính từ TƯ đến địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chủ động ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu qua biên giới. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua, bán xăng, dầu tại địa phương, bảo đảm hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường và ngăn ngừa tình trạng bán xăng, dầu với khối lượng lớn cho các đối tượng không có mục đích sử dụng rõ ràng. Hải quan các địa phương chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng tập trung tăng cường lực lượng, bố trí tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại một số vùng biên giới có khả năng xảy ra tình trạng buôn lậu xăng, dầu và xử phạt nghiêm minh sai phạm…

Trước dự báo tình hình sẽ diễn biến phức tạp, TCHQ đã xác định công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới góp phần bảo vệ an ninh chính trị, sức khỏe cộng đồng và môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đại diện TCHQ cho biết, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm, lực lượng chống buôn lậu của ngành sẽ tập trung đấu tranh với các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận trong khai báo hải quan. Trong năm nay, ngành tiếp tục thực hiện chuyên đề tăng cường kiểm soát hàng tạm nhập - tái xuất, xăng, dầu, đường, khoáng sản… góp phần giữ vững an ninh kinh tế của nước ta.

Hương Ly