Làm rõ căn cứ quyết định đình chỉ công tác
Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 16/03/2013
Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Nhằm cụ thể hóa điều này, tại Điều 15 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật PCTN đã quy định: Việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ được thực hiện khi đồng thời có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Dự thảo cũng đưa ra các căn cứ khẳng định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. Một là, khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Hai là, khi có tố cáo, phản ánh về tham nhũng mà tố cáo, phản ánh đó có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có những căn cứ để tiến hành xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng. Ba là, qua công tác tự kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Bốn là, qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước hoặc thi hành công vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn, Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện còn hai nhóm ý kiến khác nhau đối với nội dung này. Nhóm thứ nhất cho rằng, để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh tùy tiện trong thực hiện pháp luật, Nghị định cần quy định rõ các căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác. Nhóm ý kiến thứ hai nghiêng về đề xuất nghị định không nên quy định cụ thể, chi tiết vấn đề này vì trong Luật PCTN không giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn về căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác.
Theo Phó Chánh thanh tra Bộ CA Hoàng Duy Hòa, việc quy định các căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác và quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác như trong Dự thảo Nghị định là chưa hợp lý. Hình thức tạm đình chỉ công tác khác với chuyển vị trí công tác nên căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ra quyết định phải khác nhau nên cần tách bạch rõ giữa quyết định tạm đình chỉ và quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác để việc áp dụng được thống nhất khi triển khai thực hiện. Dự thảo cũng cần quy định trình tự, thủ tục tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.
Băn khoăn với nội dung "Căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khi có tố cáo, phản ánh về tham nhũng mà tố cáo, phản ánh đó có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để tiến hành xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng", đại diện Bộ Tư pháp phân tích, chưa tiến hành xác minh thì lấy đâu ra căn cứ để nói rằng có bằng chứng cụ thể, rõ ràng về một người nào đó tham nhũng. Lo ngại cơ sở này sẽ dễ bị lạm dụng dẫn đến sự trù dập nếu không được vận dụng đúng, đã có ý kiến đề nghị nên loại bỏ ra khỏi Dự thảo Nghị định.
Nhằm hạn chế trường hợp lợi dụng tố cáo, phản ánh tham nhũng để vu khống người khác, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần xây dựng những quy định cụ thể về hình thức xử lý đối với người tố cáo sai sự thật. Nếu phát hiện người tố cáo đã tố cáo sai thì có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý ngay chứ không cần phải chờ người bị tố cáo yêu cầu mới tiến hành. Đồng thời, Dự thảo Nghị định nên bổ sung các quy định đối với trường hợp đã hết thời hạn xác minh mà không có kết luận có hay không có hành vi tham nhũng thì việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác cụ thể ra sao?...
Rõ ràng, đình chỉ công tác là một hình thức kỷ luật nặng hơn rất nhiều so với việc tạm thời chuyển vị trí công tác. Những dấu hiệu từ phản ánh, tố cáo chưa thể là căn cứ để xác minh một cá nhân, tập thể có hành vi tham nhũng hay không. Thiết nghĩ, khi tham nhũng vẫn đang có dấu hiệu gia tăng dưới các hình thức ngày càng tinh vi, thì các quy định của pháp luật về vấn đề này càng phải cụ thể, chặt chẽ theo hướng không bỏ lọt tội phạm nhưng bảo vệ tối đa quyền con người.