Khẳng định vị thế Châu Á - Thái Bình Dương
Thế giới - Ngày đăng : 07:09, 15/03/2013
Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai bờ đại dương. |
Trong khi vòng đàm phán Doha thúc đẩy thương mại toàn cầu mờ nhạt vì bế tắc, các sáng kiến thương mại tự do song phương, đa phương ở cấp độ khu vực đã trở thành lựa chọn của những nền kinh tế năng động trên thế giới. Trong trào lưu ấy, TPP thành một điểm sáng trên bức tranh thương mại toàn cầu khi quy tụ được sự tham gia của 11 nền kinh tế trải khắp một khu vực rộng lớn và giàu tài nguyên trên vòng cung Thái Bình Dương. Ngoài cường quốc số 1 thế giới là Mỹ, câu lạc bộ TPP còn có sự hiện diện của Canada, Australia và những nền kinh tế năng động như New Zealand, Mexico, Chile, Peru, Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên, tầm vóc của TPP không chỉ giới hạn ở những "nhân vật" trên bản đồ kinh tế thế giới. Với việc giảm mạnh hoặc miễn ít nhất 90% các dòng thuế tại quốc gia thành viên, TPP sẽ tạo một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất hành tinh. Thông qua thúc đẩy thương mại, TPP đang được chờ đợi như một thành tựu chưa từng có trong hội nhập kinh tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Có lẽ vì chiếm vị trí địa - chiến lược đặc biệt và phù hợp với xu thế liên kết toàn cầu hiện nay nên so với nhiều hiệp định thương mại tự do khác, những bước tiến của TPP đã đi rất nhanh với những thỏa thuận vượt bậc. Từ chỗ chỉ là một dự án nhỏ giữa 4 quốc gia: Brunei, New Zealand, Singapore và Chile, TPP đã thực sự nổi tiếng sau sự tham gia của Mỹ vào năm 2008. Bắt đầu từ đó, những vòng đàm phán liên tiếp đã diễn ra và thúc đẩy sự tham gia của các thành viên mới.
Cách thức để TPP từ một thỏa thuận ít nhiều mang tính nhỏ lẻ thành một sân chơi thương mại đẳng cấp thế giới đã gây không ít ngỡ ngàng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Điểm mặt những "ngôi sao" gia nhập TPP và vai trò tích cực của Mỹ, có lý do để tin rằng TPP là một phương án hoàn hảo trong chiến lược xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống B.Obama. Chưa cần mở rộng thêm nữa, chỉ với 11 thành viên như hiện nay, quy mô của TPP đã đứng ở mức 21.000 tỷ USD, chiếm hơn 50% GDP của toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu như quá trình kết nạp Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hoàn tất, tỷ trọng của TPP sẽ chiếm đến hơn 35% GDP toàn cầu, bỏ xa Liên minh Châu Âu (EU), hiện đang là khu vực thương mại tự do lớn nhất hành tinh giữ 20% GDP thế giới. Với một tiềm năng khổng lồ như vậy, sự gắn kết bằng công cụ thương mại hiển nhiên sẽ tạo nên một liên minh kinh tế có đối trọng lớn tại Châu Á - Thái Bình Dương. TPP thành công, ngoài những lợi ích lớn với các thành viên, trên mặt trận địa - kinh tế, tấm bản đồ kinh tế thế giới sẽ mang hình thái khác biệt và trọng tâm sẽ là Châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang giữ nhịp đập mạnh mẽ nhất của kinh tế toàn cầu. Với sự dịch chuyển này, không nghi ngờ gì nữa khi Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là cường quốc số 1 Thái Bình Dương như Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố. Song song với các chính sách đối ngoại và an ninh cho thấy rõ ràng về sự trở lại Châu Á của người Mỹ, TPP đã khỏa lấp lỗ hổng trên bình diện kinh tế và hoàn thiện cho chiến lược "đảo chiều" mà Washington khẳng định sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho xứ Cờ hoa.
Không giống như những vòng đàm phán đa biên dễ rơi vào bế tắc do bất đồng lợi ích, những triển vọng mà các nước tham gia TPP đặt ra không được xem là quá tham vọng. Tính khả thi của bản hiệp định nằm ở sự thỏa hiệp tương đối giữa các đối tác cho thấy các thành viên trong "sân chơi" TPP đều sẽ được hưởng lợi từ sự liên kết sâu rộng mang tính lịch sử này với nhiều tỷ USD lợi nhuận và sự tương tác tất yếu về an ninh, chính trị cũng như các hợp tác quân sự.
Với Việt Nam cũng vậy, tham gia có trách nhiệm các vòng đàm phán TPP hứa hẹn sẽ tăng GDP của nước ta thêm 36 tỷ USD đến năm 2025, tỷ trọng cao nhất trong 11 thành viên hiệp định. Việt Nam cũng tăng thêm 68 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu để trở thành nguồn cung hàng hóa quan trọng cho các thành viên TPP. Quan trọng hơn, với sự hội nhập bước ngoặt trong tương lai gần, Việt Nam sẽ nâng cao vị thế của một quốc gia có vị trí địa - chiến lược, kinh tế quan trọng tại Đông Nam Á. Do vậy, các thành viên TPP đặt hy vọng vào sự thành công của những vòng đàm phán sắp tới để sớm ra đời một khối thương mại tự do đầy thực lực, góp phần khẳng định vị trí chiến lược của một Châu Á - Thái Bình Dương an ninh, ổn định và phồn vinh.