Phân định rõ chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị

Chính trị - Ngày đăng : 05:53, 15/03/2013

(HNM) - Trong ngày làm việc thứ hai tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định mang tính nguyên tắc để phân biệt chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích, do luật hiện hành chưa phân biệt sự khác nhau một cách cơ bản giữa mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị nên tổ chức bộ máy và cách thức hoạt động của chính quyền địa phương được áp dụng chung trên phạm vi cả nước. Nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên các quy định cũ thì sẽ tiếp tục gây khó khăn cho sự phát triển của các địa phương; còn nếu lại cho mỗi nơi một cơ chế đặc thù như vừa qua sẽ tạo sự thiếu thống nhất trong thực hiện quy định chung của pháp luật, cũng như không bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Thống nhất quan điểm trên, nhiều đại biểu đề nghị nên sớm đổi mới mô hình chính quyền địa phương, tránh tình trạng chính quyền địa phương là một bản sao của chính quyền trung ương hiện nay; đồng thời, đề xuất không nên bỏ cơ quan HĐND vì đây là thiết chế để người dân thực hiện quyền của mình...

* Ngày 14-3, Bộ CA tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đánh giá quá trình nghiên cứu, đóng góp ý kiến thời gian qua trong toàn lực lượng. Trước đó, Bộ CA đã nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai việc lấy ý kiến vào Dự thảo. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ CA đã phát động một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp, nhằm phát huy trí tuệ, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND đối với việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Sau gần 3 tháng triển khai, 100% CA các đơn vị, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo. Các ý kiến đã bám sát một cách toàn diện về tất cả các nội dung Dự thảo, trong đó nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng.

* Ngày 14-3, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hoàn thiện báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về các quy định của Dự thảo đối với khoa học và công nghệ, các đại biểu cho rằng đã khẳng định rõ các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học và công nghệ là "quốc sách hàng đầu", khẳng định "khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội", đặc biệt trong quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức.

* Cùng ngày, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể lấy ý kiến đóng góp của cán bộ viên chức trong đơn vị. Đến nay, 32 đơn vị thuộc Bộ đã gửi báo cáo đóng góp về Bộ. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo đã đề cập, bổ sung đầy đủ và chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở... Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Dự thảo nên thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyền trẻ em cần được quy định rõ hơn với các nguyên tắc dành ưu tiên cho trẻ em, tôn trọng trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em...

Đà Đông - Tư Đô