Hợp tác công tư trong nghiên cứu cà phê giúp gia tăng giá trị cà phê Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 11:40, 14/03/2013
Việc lai tạo những giống cà phê mới với năng suất cao, kháng chịu sâu bệnh tốt đã được Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) tiến hành từ nhiều năm qua và đã tạo ra những giống cà phê mới đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, việc đưa giống cà phê này đến với nông dân không hề dễ dàng vì người dân có thói quen mua cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc với giá rẻ trên thị trường.
Ông Lê Ngọc Báu, giám đốc WASI cho biết: “Chương trình hợp tác công tư, liên kết với Công ty Nestle Việt Nam được triển khai từ năm 2011 đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của việc trồng lại cây cà phê. Song song với việc tập huấn cho nông dân về canh tác bền vững và bảo đảm năng suất thì Nestle đã hỗ trợ WASI trong hàng loạt các công việc như nâng cấp phòng thí nghiệm, tài trợ các thiết bị nhân giống cấy mô, xây dựng khu vực thí nghiệm trồng cây cà phê kháng tuyến trùng và đặc biệt là tài trợ 50% giá cây giống cho nông dân, thúc đấy mạnh mẽ việc thay thế các cây cà phê già cỗi. Chương trình này cũng đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên đến 7 tấn/hecta, gần gấp đôi năng suất trung bình hiện nay”.
Ngoài việc hợp tác trong chương trình giống, các cán bộ của WASI cũng phối hợp chặt chẽ với các đối tác tư nhân và phi chính phủ trong khuôn khổ chương trình hợp tác công tư phát triển cà phê bền vững. Các đối tác như các công ty phân bón, công ty bảo vệ thực vật, công ty thu mua cà phê và các tổ chức phi chính phủ đều nhận thấy rằng việc hỗ trợ nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác bền vững và nâng cao năng suất là lợi ích chung của tất cả các bên, trong đó có cả các doanh nghiệp. Bác Nguyễn Đăng Hữu – Xã Ea Kao – TP BMT, người tham gia trong chương trình hợp tác công tư cho biết: “Chương trình này có cách huấn luyện nông dân rất độc đáo. Họ chia đôi vườn của tôi, một nửa được áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới theo chuẩn bền vững, một nửa tôi vẫn áp dụng theo phương pháp cũ. Chỉ sau một vụ, hai nửa vườn cây nhìn khác hẳn nhau và bên áp dụng tốt kỹ thuật cho thu nhập cao hơn khoảng 15 – 20 triệu đồng/hecta. Vườn của tôi trở thành một điểm tham quan và huấn luyện cho các nông dân trong nhóm bằng mắt thấy tai nghe. Người dân chúng tôi vẫn luôn như vậy, thấy là tin và một khi đã có lòng tin rồi thì chúng tôi quyết theo đến cùng để làm giàu từ cây cà phê”.
Kinh nghiệm về hợp tác “bốn nhà” theo phương thức đa đối tác đã được chia sẻ trong Hội Nghị Triển Vọng Ngành Hàng Cà phê: Giá Trị Gia Tăng Trong Chuỗi Ngành Hàng do Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI), Viện chiến lược chính sách nông nghiệp tổ chức. Đây thực sự là một định hướng quan trọng được xây dựng và đồng thuận giữa các đối tác nhà nước và tư nhân nhân dịp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột để hỗ trợ toàn ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.