Bị ”nhái” thương hiệu: Ngành du lịch tổn thất nặng
Du lịch - Ngày đăng : 06:06, 14/03/2013
Sự lộn xộn thương hiệu khiến du khách không thể phân biệt thật - giả. Ảnh: Thái Hiền |
Loạn biển hiệu "nhái"
Từ nhiều năm nay, "Sinh Cafe" đã trở thành thương hiệu có uy tín lâu năm không chỉ ở đất Hà thành mà còn của thị trường du lịch Việt Nam. Du khách nước ngoài cũng rất tin tưởng lựa chọn tour cao cấp của "Sinh Cafe". Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng ấy đã khiến ngày càng nhiều đơn vị lữ hành "ăn theo" và thị trường du lịch thực sự hỗn loạn bởi các "Sinh Cafe" "nhái" mọc lên "như nấm sau mưa".
Theo khảo sát của phóng viên trên phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Bè… đã có hàng chục biển hiệu "Sinh Cafe". Trên mỗi biển hiệu, cái tên nguyên gốc ban đầu đã bị "biến tấu", thay đổi, thêm bớt một vài chữ theo kiểu: Sinh Cafe Tourist, Sinh Cafe Open Tour, Sinh Cafe Tour Open, Sinh Cafe Hà Nội… khiến du khách không thể phân biệt nổi đâu là hàng thật và đâu là hàng "nhái". Thậm chí, hai công ty lữ hành nằm cạnh nhau trên một con phố cùng treo tấm biển "nhái" "Sinh Cafe". Để chọn lựa một chuyến du lịch cùng "Sinh Cafe" xịn chẳng hề đơn giản và du khách rất dễ lâm vào tình trạng "khóc dở mếu dở" vì đi phải tour của "Sinh nhái" kém chất lượng.
Đi tìm "giấy khai sinh" của "Sinh Cafe" được biết, vào năm 1997 Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) đã sử dụng và đăng ký bản quyền thương hiệu hợp pháp trên. Trong nhiều năm, Hà Nội Toserco khai thác thương hiệu này rất thành công. Cũng vì thế mà trên thị trường du lịch Việt Nam, hàng loạt công ty du lịch đã đua nhau lấy tên "Sinh Cafe" làm thương hiệu cho mình. Đến nay, không chỉ du khách mà ngay cả người trong nghề cũng dễ nhầm lẫn thật - giả.
Câu chuyện tưởng như phi lý trên không chỉ xảy ra với Hanoi Toserco mà nhiều doanh nghiệp lữ hành khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Chỉ tính riêng các công ty thuộc nhóm top 10 của ngành du lịch nước ta thì gần như đều bị "nhái" thương hiệu như: Hòa Bình, Lửa Việt, Saigontourist, BenThanhtourist…
Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, bà Hoa Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình bày tỏ, hoạt động từ tháng 10-1989, Công ty CP Du lịch Hòa Bình luôn nằm trong tốp 10 đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam và được du khách tín nhiệm. Đến tháng 11-2011 lại có thêm một công ty mới lấy tên là Công ty CP Du lịch Hòa Bình TP Hồ Chí Minh. Không chỉ bê nguyên các chương trình tour, chương trình khuyến mãi, đơn vị mới này còn "nhái" lại logo, trang web với màu sắc, kiểu dáng gần giống như của Du lịch Hòa Bình khiến khách hàng nhầm lẫn. Còn Công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt không chỉ có một mà tới vài đơn vị trùng tên mới thành lập như: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lửa Việt (Hà Nội), Công ty CP Thương mại và Du lịch Lửa Việt (Nam Định), Công ty TNHH Du lịch - Du học Lửa Việt (TP Hồ Chí Minh)… Thậm chí, khi công ty này thuê luật sư để khiếu kiện công ty trùng tên còn bị thách thức dọa kiện lại với lý do, họ có đầy đủ giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và việc sử dụng tên "nhái" là đúng pháp luật.
Trao đổi với Hànộimới, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tỏ ra bức xúc, tình trạng "nhái" thương hiệu du lịch đã và đang khiến các doanh nghiệp lữ hành bất bình. Mặc dù, "Sinh Cafe" đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa có một văn phòng Sinh "nhái" nào bị xử lý. Tự "giải cứu" cho mình, đồng thời tránh nhầm lẫn cho khách hàng, đơn vị này buộc phải đăng ký thương hiệu khác, đó là "The Sinh Tourist".
Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Tào Ngọc |
Xử lý thế nào?
Theo ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, để xảy ra tình trạng trên là do Luật Doanh nghiệp và các nghị định, thông tư đi kèm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp có nhiều điểm chưa chặt chẽ. Từ đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đăng ký trùng tên gọi với doanh nghiệp khác mà pháp luật khó xử lý. Thậm chí, hầu hết công ty "nhái" đều có giấy phép đăng ký kinh doanh khiến các vụ khiếu nại, kiện tụng liên quan đến tranh chấp thương hiệu thường không thể "hạ hồi phân giải". Trong khi đó, để khẳng định tên tuổi trên thị trường, các thương hiệu đích thực phải mất rất nhiều thời gian gây dựng nhưng lại đang phải chịu thiệt hại do khách hàng nhầm lẫn. Không chỉ doanh nghiệp mà du khách cũng bị ảnh hưởng khi sử dụng những tour kém chất lượng do các công ty "nhái" đưa ra.
Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định, tên riêng của doanh nghiệp bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nếu giống từng từ trong cả tên thì mới bị xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Vì vậy, doanh nghiệp đăng ký sau chỉ cần thay đổi một từ, hoặc sử dụng tên riêng ghép vào là đương nhiên được cấp phép đăng ký kinh doanh. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình, bà Hoa Lệ, hình thức "nhái" thương hiệu phổ biến hiện nay là sử dụng nguyên cái tên đã có uy tín trên thị trường, chỉ thêm vào một từ chỉ loại hình doanh nghiệp khác, hoặc từ chỉ địa danh. Chẳng hạn, nhiều công ty "nhái" đã thêm một vài từ vào phía trước tên thương hiệu như: cổ phần, dịch vụ, thương mại, sự kiện, hay thay chữ Tourist bằng Travel… là đủ điều kiện để "mập mờ" với khách hàng và nghiễm nhiên đi vào hoạt động mà không sợ bị "sờ gáy".
Từng giữ cương vị Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Thừa Thiên Huế, kiêm thanh tra phụ trách giải quyết vấn nạn trên, ông Nguyễn Quốc Thành thẳng thắn thừa nhận, dù rất bức xúc, nhưng ngay cả cơ quan chức năng cũng không có cơ sở pháp lý để xử phạt những đơn vị đang sử dụng thương hiệu "nhái". Và câu chuyện "nhái" thương hiệu này nếu không được nhanh chóng giải quyết triệt để sẽ khiến ngành du lịch phải gánh chịu tổn thất nặng nề.