Để biết, hiểu và ngưỡng mộ phụ nữ Việt xưa

Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 13/03/2013

(HNM) -

PGS.TS Đỗ Thị Hảo



Điều đầu tiên phải nói là cuốn sách này nằm trong dự án "Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" (được phê duyệt trong 10 năm, hiện đã đi được một nửa chặng đường). Nghĩa là tác phẩm nằm trong một chặng dài hơi mà người làm văn nghệ dân gian Việt Nam muốn để lại cho các thế hệ sau. Tác phẩm cũng được "lọc" qua "Hội đồng thẩm định bản thảo" mà GS, TSKH Tô Ngọc Thanh là người chịu trách nhiệm chính.

Một điểm đáng chú ý nữa như giới chuyên môn nhận định là do đất nước trải qua chiến tranh liên miên, cùng với nhiều đổi thay khác, nhiều làng mạc thôn xóm không còn giữ được thần tích. Người ta vẫn thờ phụng nhưng nhiều khi lại không biết mình thờ ai, hoặc sự tích của vị thần đó như thế nào…

"Sự tích các Bà Thành hoàng làng" mong muốn góp phần làm phong phú sinh hoạt dân gian ở các địa phương, giúp cho các nhà nghiên cứu đào sâu thêm về các chủ đề liên quan đến nữ thần, hoặc về phụ nữ Việt Nam nói chung. 183 Bà Thành hoàng đề cập trong cuốn sách này đã được rút ra từ kho thần tích lớn gồm hơn 500 quyển bằng chữ Hán mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được.

Cơ bản là cuốn sách giới thiệu với bạn đọc những nét chính về tên tuổi, quê quán, những thần tích liên quan đến sự ra đời của các bà và đặc biệt là công lao của các bà với đất nước, với nhân dân. Có những nhân vật chỉ được khắc họa trong chừng đôi ba trăm chữ, song không phải là không khiến người đọc bất ngờ, cảm phục và tự hào về phụ nữ Việt ngay từ thuở xa xưa. Người nào cũng phúc hậu, nhân nghĩa, hiền thục tại gia, nhưng khi đất nước loạn lạc thì bỗng chốc đứng lên anh dũng và gan dạ lạ kỳ. Từ những bậc công nương con nhà quyền quý cho đến những cô gái nhà nghèo và thậm chí cả cô đào hát vô danh cũng trở nên những bậc anh hùng liệt nữ. Không chỉ cương quyết từ chối sự dụ dỗ, cưỡng ép của kẻ thù, các bà đều thông minh, sáng tạo, tương kế tựu kế khi đối mặt với giặc dữ. Đặc biệt, phần nhiều các bà đều ham học, có chí khí từ thuở niên thiếu. Xuân Nương (quan tham mưu của Trưng Vương) từng vấn chặt vành khăn tang chồng, giả trai xông trận trong khi đang mang thai 5 tháng. Công chúa Ngọc Nương (con vua Trần Thái Tông) cùng chị là Bảo Nương lập mưu đục thủng thuyền chìm, chết cùng tướng giặc, tạo thuận lợi cho quân nhà Trần thắng trận… Nhiều bà sau khi chinh chiến, thường xin về quê quán, khuyến khích nghề nông, cứu giúp dân nghèo, khiến cho nhiều vùng xanh tươi, trù phú.

Có thể nói, thông qua hình ảnh các Bà Thành hoàng được PGS, TS Đỗ Thị Hảo giới thiệu với bạn đọc, dễ cảm được tâm tư của người xưa. Đó là điều gì dân ngợi ca, kính trọng, yêu quý tất cũng là điều dân mong mỏi, gìn giữ. Thêm nữa, cuốn sách cũng gợi mở cho nhiều người làm nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh… những cảm hứng sáng tạo mới về các nữ nhân vật trong lịch sử. Đó chắc chắn là một đề tài còn rất nhiều khoảng trống và cũng đầy thách thức với người nghệ sỹ hôm nay.

Thi Thi