Trông người lại ngẫm đến ta

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:45, 13/03/2013

(HNM) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan Pongthep Thepkanchana, nước này sẽ thực hiện một cuộc cải tổ lớn về giáo dục, học sinh sẽ được giảm ít nhất 200 giờ học mỗi năm. Hiện nay ở Thái Lan, học sinh trung học học khoảng 1.200 giờ/năm, học sinh tiểu học là 1.000 giờ/năm.

Với quyết định trên, ông Pongthep Thepkanchana biện luận, không phải học sinh cứ "ngồi lỳ" trên lớp nhiều giờ học hơn là sẽ giỏi hơn. Cụ thể, ở các nước Châu Phi, học sinh phải ngồi trong lớp 1.400 giờ/năm nhưng năng lực học tập của các em lại chưa phải là cao trong khi ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, học sinh chỉ phải học dưới 1.000 giờ/năm nhưng lại thu được kết quả tốt trong học tập. Học sinh Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ phải học 790 giờ/năm nhưng hiện được đánh giá xếp thứ 3 thế giới về năng lực thực hành…

Với quyết định này, Thái Lan hy vọng học sinh của mình có thêm thời gian học các kỹ năng khác từ hoạt động ngoại khóa, từ đó tiếp cận kiến thức một cách đa dạng, tạo sự hưng phấn trong học tập. Cũng về vấn đề này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra khuyến cáo, mức 800 giờ học/năm là phù hợp với tất cả học sinh trên toàn thế giới.

Trông người lại ngẫm đến ta. Cũng chưa rõ nếu thống kê thì học sinh của chúng ta hiện đang học bao nhiêu giờ mỗi năm. Nhưng chắc chắn là một con số không nhỏ nên học sinh phải học đêm học ngày, học ở trên lớp chưa đủ còn phải đi học thêm, học phụ đạo, học nâng cao… Người ta đã tính toán, ngay như việc học sinh "mang - vác" được đủ sách vở tới trường để phục vụ cho việc học đã là một kỳ tích, bởi mới đến cấp tiểu học đã phải "gánh" chiếc cặp sách tới 5-7kg. Học nhiều nhưng điều đó chưa hẳn đã tỷ lệ thuận với kiến thức tiếp thu, nói cách khác là học sinh bị đày ải vào việc học chứ không có hứng thú trong học tập. Thế nên mới có những chuyện cười ra nước mắt khi học sinh THCS không phân biệt nổi con gà với con vịt, con trâu với con bò…

Trong khi đó, như đánh giá của GS Nguyễn Xuân Hãn, ba mươi năm nay chúng ta không cho ra lò được bộ sách giáo khoa chuẩn, nghĩa là mỗi năm riêng việc biên soạn, in ấn và bán sách giáo khoa đã gây lãng phí cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Vậy nhưng chuyện thí điểm vẫn cứ tồn tại dài dài và thậm chí người ta còn đề xuất nên chăng có vài bộ sách giáo khoa để học sinh có sự lựa chọn. Chuyện cẩn trọng trong làm sách giáo khoa cũng có vấn đề, bằng chứng là mới đây nhất đã phát hiện những sai sót cơ bản về kiến thức lịch sử trong vở "Luyện từ và câu lớp 3 - Tập 2". Cũng về chất lượng sách giáo khoa, PGS Văn Như Cương nhận xét, toán phổ thông có quá nhiều phần vô bổ... Ở tầm vĩ mô, thẳng thẳn chỉ ra những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng đưa ra ý kiến: Chúng ta đang đi ngược lại quy luật. Còn GS Trần Hồng Quân trong tâm thư gửi tới Bộ trưởng GD-ĐT đã cho rằng, nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống…

Việc đề xuất cải tổ nền giáo dục của Thái Lan bằng cách giảm giờ học của học sinh xét cho cùng chỉ là một góc cạnh của vấn đề. Chất lượng một nền giáo dục được hình thành từ nhiều yếu tố. Muốn có những chuyển biến căn bản và toàn diện cần có sự thay đổi về tư duy và phương pháp, không thể tiếp tục cách làm chắp vá, manh mún, thiếu sự đồng bộ và tầm nhìn tổng thể.

Hoàng Thu Vân