PVFC xin "khoanh" hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu của Vinalines và Vinashin
Kinh tế - Ngày đăng : 13:43, 12/03/2013
Đề án sơ bộ hợp nhất Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) vừa được WesterBank công bố. Việc hợp nhất này sẽ được xin ý kiến cổ đông tại đại hội cổ đông WesternBank diễn ra ngày 16-3 này.
Trong hoạt động tín dụng của PVFC có 2 hạng mục cần lưu ý là các khoản tín dụng liên quan đến Vinashin và các khoản cho vay Vinalines.
Theo giải thích của PVFC, do biến động không thuận lợi của thị trường vận tải thế giới, hai khách hàng này rơi vào trạng thái khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Dư nợ (gốc) tại thời điểm 31-5-2012 của nhóm khách hàng Vinashin là 1.068 tỷ đồng và của nhóm khách hàng Vinalines là 1.745 tỷ đồng.
Việc xử lý hai khoản nợ xấu này đã và đang được PVFC thực hiện triệt để bằng cách kết hợp các biện pháp như tích cực thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo và sử dụng nguồn quỹ dự phòng để trích lập dự phòng bổ sung.
Ngoài ra, PVFC cũng dự kiến sử dụng một phần lợi nhuận trong năm 2012 để bù đắp các tổn thất do hai khoản nợ này gây ra (nếu có).
Tại đề án hợp nhất, PVFC và WesternBank đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn Dầu khi hỗ trợ 37.000 tỷ để hỗ trợ thanh khoản sau khi hợp nhất. Bên cạnh đó, hai đơn vị này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không tính dư nợ đối với Vinashin và Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất đề ngân hàng hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước không tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu bình quân cũng như dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.
PVFC và WesternBank còn đề nghị cho phép ngân hàng hợp nhất được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính.“Việc duy trì dự trữ bắt buộc bằng trái phiếu chính phủ cho phép Ngân hàng dùng tiền mặt để đầu tư vào các sản phẩm có tính thanh khoản cao, rủi ro thấp nhằm giúp Ngân hàng sớm khắc phục khoản lỗ phát sinh trước khi tái cơ cấu“-theo đề án hợp nhất.
PVFC có tiền thân là Công ty Tài chính Dầu khí, thành lập ngày 19-6-2000. Tính đến 29-2-2012, tổng tài sản của PVFC đạt 91.037 tỷ đồng.