Cuộc chiến “lấn sân” trong truyền hình trả tiền

Kinh tế - Ngày đăng : 10:15, 12/03/2013

Tố nhau

Ai kinh doanh ngoài ngành?

Năm 2012, đã xảy ra một việc đáng ngạc nhiên, khi các nhà đài truyền hình trả tiền VCTV, SCTV (cùng là “con” của VTV) và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã gửi công văn đến các cơ quan trung ương đề nghị không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp, với một trong những lý do là các tập đoàn Viettel, VNPT và FPT Telecom đầu tư ngoài ngành (?).

Đó là một lập luận ngăn cản cạnh tranh trên thị trường. Cũng từ đó đến nay Viettel, VNPT chưa được cấp phép truyền hình cáp. Và cũng nhờ vậy mà SCTV và VCTV đang “hùng cứ” 2/3 thị trường và... liên tục tăng cước thuê bao.

Có một sự kiện mới rất đáng chú ý: Ngày 6/3 vừa qua, VCTV và CMC Telecom đã ký kết hợp tác chiến lược; theo đó VCTV sẽ triển khai cung cấp dịch vụ internet trên hạ tầng đường truyền của truyền hình cáp. Đây được xem là một dịch vụ tích hợp "hai trong một" trên đường truyền, chẳng có gì mới lạ bởi SCTV đã triển khai nhiều năm qua.

Truyền hình trả tiền: Thêm kênh bớt tiền. Ảnh: SGTT


Về mặt công nghệ, việc tích hợp được nhiều dịch vụ trong một là tiên tiến. Song nếu các tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT, FPT Telecom vì động cơ ngăn cản cạnh tranh cũng có thể đặt vấn đề: VCTV đang đầu tư... kinh doanh ngoài ngành, và các cơ quan chức năng cần xem xét có nên cho phép hay không. Tuy nhiên, các tập đoàn viễn thông đã không dùng tới chiêu “đâm bị thóc, chọc bị gạo” như VCTV, SCTV và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã làm.

Được biết hai bên VCTV và CMC Telecom sẽ chính thức cung cấp dịch vụ từ tháng 8/2013, với mục tiêu gần nhất là đạt 200.000 thuê bao sử dụng dịch vụ internet trên truyền hình cáp GigaNet Home. Về giá cước, VCTV và CMC Telecom đưa ra những gói cước có giá "mềm" hơn (gói thấp nhất có giá cước chỉ 150.000đ/tháng).

Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các doanh nghiệp viễn thông đều do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, cấp phép hoạt động. Mặc nhiên như thế, họ cùng hoạt động trong ngành thông tin truyền thông, tất nhiên thuộc những chuyên ngành hẹp khác nhau. Tuy nhiên, các ngành này chẳng phải là không liên quan gì nhau. Chỉ vì SCTV và VCTV muốn giành hết thị phần truyền hình cáp, nên họ mới giở chiêu tố các doanh nghiệp viễn thông đầu tư ngoài ngành mà thôi.

Truyền hình cáp đang là lĩnh vực đầy tiềm năng. Việt Nam với khoảng 20 triệu hộ gia đình, nhưng đến nay mới có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, chiếm chưa tới 25%. Nếu tỷ lệ bão hòa được cho là ở mức 60%, thì "miếng bánh béo bở" này còn đến 35% cho các nhà đài.

Mặt khác, trên thực tế cả VNPT, Viettel và FPT Telecom đã cung cấp dịch vụ IPTV từ nhiều năm nay, song lĩnh vực này thu hút khách hàng yếu, không mang đến món lợi nhiều và không cạnh tranh trực tiếp với VCTV và SCTV, vì thế họ không tố là đầu tư ngoài ngành.

Cần cạnh tranh lành mạnh

Nhìn từ góc độ thị trường, hợp tác giữa VCTV và CMC Telecom sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh hơn giúp mang tới quyền lợi nhiều hơn cho người tiêu dùng, buộc VNPT, Viettel hay FPT Telecom phải điều chỉnh giá cước thuê bao ADSL để đối phó.

Nếu nhìn theo quan điểm ấy, thị trường hiện nay cũng rất cần một đơn vị có đầy đủ các tiềm lực như Viettel nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp, để các nhà đài VCTV, SCTV bớt đi sự tự tung tự tác tăng cước liên tục, do các nhà đài còn lại như HTVC, HCTV, AVG… chưa thể cạnh tranh lại.

Trong kinh doanh, đâu phải cứ giá rẻ hơn là thắng. SCTV đã cung cấp dịch vụ internet trên đường cáp truyền hình nhiều năm qua nhưng đâu thể trở thành đối thủ cạnh tranh xứng tầm với các doanh nghiệp chuyên ngành? Bộ máy lắp đặt, bảo trì của nhà đài thậm chí còn rối bời chỉ trong việc xử lý chất lượng truyền hình cáp, chứ đừng nói là kiêm thêm mảng ADSL. Hơn nữa, khi nào VCTV và CMC Telecom giải quyết tốt từ vấn đề chất lượng đến phối hợp chăm sóc khách hàng may ra mới tính tới cạnh tranh trực diện được.

Cần nhớ rằng vẫn tồn tại một điểm yếu cố hữu của truyền hình cáp là các mối dây treo mắc trên cột điện ngoài trời rất hay xảy ra tình trạng đứt, hở mối trong mùa mưa giông (khác với dây cáp của viễn thông đang dần được ngầm hóa), mà nhà đài thì lại không thể kiểm soát hết được. Khi mối dây lỏng lẻo thì không chỉ dịch vụ truyền hình cáp mà cả dịch vụ internet đi kèm cũng chập chờn theo.

Nếu nói đến đối thủ của dịch vụ internet ADSL phân khúc hộ gia đình thì đáng gờm nhất chính là dịch vụ 3G của nhà mạng. Cần chú ý là, trải qua hơn 15 năm, tổng số thuê bao internet tại Việt Nam mới chỉ đạt mức 4,3 triệu vào cuối năm 2012. Trong khi đó, mới ra đời từ năm 2009 tới nay, chưa đầy bốn năm, nhưng tổng số thuê bao 3G hiện đã lên đến hơn 16 triệu. Vì vậy, dịch vụ ADSL đối mặt với 3G nhiều hơn là phương thức tích hợp internet theo đường cáp truyền hình trả tiền của VCTV và SCTV.

Cũng cần nói thêm: Nếu các nhà đài làm được điều gì đó lớn lao trong sự cạnh tranh thì SCTV đã lật ngược được thế cờ từ lâu rồi. Mỗi mảng cần một nghiệp vụ kinh doanh riêng và gắn với tên tuổi, thương hiệu.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chỉ có một cách đánh giá: Nhà cung cấp dịch vụ nào mang tới quyền lợi tối đa thì sẽ được chọn lựa. Ở mảng internet, có thể VCTV-CMC Telecom mang đến giá cước rẻ hơn, hoặc chất lượng cũng đáp ứng. Tuy nhiên, ở lĩnh vực truyền hình cáp thì các nhà đài VCTV, SCTV vẫn tiếp tục bóp nghẹt người tiêu dùng. Bao giờ, và bằng cách nào có thể sớm chấm dứt tình trạng ấy?

Diệu Tiên