Thách thức lớn với doanh nghiệp nội
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 12/03/2013
Điều này giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng hàng hóa chất lượng cao với mức giá phải chăng; nhà sản xuất sẽ mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) cần có sự chuẩn bị nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.
Doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo để tránh tình cảnh “thua ngay trên sân nhà”. Ảnh: Đàm Duy |
Cắt giảm 214 dòng thuế
Lộ trình giảm thuế theo cam kết gia nhập WTO sẽ được cập nhật hằng năm. Năm 2013, thuế suất của hàng trăm mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh theo các cam kết quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Bích, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, năm nay, Việt Nam tiếp tục cắt giảm 214 dòng thuế nhập khẩu. Việc cắt giảm sẽ được thực hiện đối với nhiều nhóm, ngành hàng, bao gồm: Cá hồi tươi sống, cá trích đông lạnh, rượu mạnh, chế phẩm trang điểm và vệ sinh, camera ghi hình, ô tô các loại…
Nhiều dòng thuế của nhóm hàng ô tô đã và sẽ được cắt giảm theo lộ trình từ 7 đến 12 năm. Cụ thể, xe ô tô thuộc nhóm 8702, 8703, giảm mức thuế từ 100% xuống 70% sau 7 năm (năm 2014); xe thuộc nhóm 8703 chở người, có dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên sẽ giảm từ 90% xuống 52% sau 12 năm (năm 2019); xe 2 cầu giảm từ 90% xuống 47% sau 10 năm (năm 2017). Linh phụ kiện thuộc nhóm 8706-8707 giảm từ 35 đến 45% xuống 25-28% sau 7 năm (năm 2014). Với cam kết đó, năm 2013, thuế suất của các loại xe ô tô thuộc nhóm 8702, 8703 còn 74%; xe bốn bánh thuộc nhóm 8703 có dung tích xi lanh trên 3.0 còn 64%. Linh phụ kiện thuộc nhóm 8706-8707 sẽ có mức thuế suất từ 16 đến 30%. Như vậy, thuế suất thuế nhập khẩu một số loại ô tô năm 2013 sẽ không giảm nhiều so với năm 2012 và mức thuế trên 50% hiện còn khá cao, không ảnh hưởng lớn đối với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Song việc giảm thuế đi kèm với các chính sách thuế khác như giảm thuế trước bạ xuống 10% đối với lần đăng ký đầu tiên và 2% đối với lần chuyển nhượng sau đó sẽ là yếu tố kích thích người tiêu dùng mua xe, góp phần kích cầu tiêu dùng và hâm nóng thị trường.
Dự kiến, thị trường ô tô sẽ sôi động trở lại sau khi nhiều dòng thuế của nhóm hàng này được cắt giảm trong năm 2013. Ảnh: Tuấn Anh |
Cơ hội và thách thức
Nhiều chuyên gia cho rằng, thuế suất thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp người tiêu dùng trong nước có thêm cơ hội tiếp cận, sử dụng các mặt hàng có chất lượng cao với mức giá rẻ hơn; đối với các ngành sản xuất, phải nhập khẩu nguyên liệu sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, người tiêu dùng gián tiếp được hưởng lợi. Vấn đề đặt ra là DN trong nước cần làm gì để cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi hàng rào thuế quan giảm dần?
Thực tế cho thấy, lộ trình giảm thuế theo WTO đã được công bố từ đầu năm 2007. Lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khuôn khổ ASEAN đã được báo trước từ khi Việt Nam gia nhập khối này năm 1995. DN trong nước đã biết trước thách thức của việc gỡ bỏ hàng rào bảo hộ từ khá lâu. Đến nay, hầu hết DN đã có sự chuẩn bị với thực tế thuế nhập khẩu giảm dần theo lộ trình. Tuy nhiên, kinh doanh trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ là thách thức lớn đối với cộng đồng DN nước ta.
Để giúp DN đứng vững trong bối cảnh hội nhập, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn, cung cấp thông tin giúp DN xây dựng chiến lược đầu tư, khai thác thế mạnh, nâng cao năng lực quản trị. Các cơ quan chức năng đã liên tục ban hành chính sách, gói giải pháp để hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Nhiều diễn đàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm, thị trường mới đã được tích cực triển khai. Vấn đề còn lại là, từng DN, ngành hàng, lĩnh vực cần có sự chuẩn bị về chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất nhằm cạnh tranh hiệu quả với các sản phẩm, dịch vụ nhập ngoại, tránh tình trạng hàng nội, DN trong nước bị "thua trên sân nhà".