Một số vấn đề về hình thức tổ chức quyền lực nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 05:49, 11/03/2013
Có được như vậy là nhờ những người soạn thảo và thông qua Hiến pháp đã chú ý giá trị trường tồn của những quy định được đưa vào Hiến pháp. Cơ sở khoa học của tính trường tồn trong các quy định đó trước hết và chủ yếu là nhận thức được xu hướng khách quan, quy luật vận động - phát triển của xã hội, trong đó trọng tâm là khát vọng vươn lên giải phóng con người.
Lịch sử nhân loại, trên một ý nghĩa nào đó, chính là lịch sử vươn lên dân chủ, tự do với giá trị ngày một cao. Nói tới khuynh hướng phát triển tất yếu của nhân loại, đến quy luật của nó là nói tới cái phổ biến, cái có giá trị chung. Tuy nhiên, cũng không quên rằng cái chung chỉ tồn tại thông qua cái riêng. "Cái riêng" ở đây được hiểu là tính lịch sử - cụ thể của trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của từng quốc gia, là tính lịch sử - cụ thể của thể chế chính trị. Tồn tại trong các cái riêng khác nhau đó, cái chung thể hiện ra là cái đặc thù, mang dấu ấn của các nhân tố vừa nêu. Nhưng cái đặc thù chỉ là hình thức biểu hiện cụ thể của cái phổ biến - cái phổ biến vẫn là cái chi phối.
Từ cách xem xét như vậy, chúng tôi thấy ưu điểm nổi bật của hầu hết các bản Hiến pháp được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đều thể chế hóa rất sát quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, đặc điểm, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, truyền thống dân tộc và phần nào cập nhật được hơi thở của thời đại. Mặt khác, chúng tôi thấy rằng, quan điểm, đường lối của Đảng cũng không phải cái gì nhất thành bất biến. Sự vận động, phát triển của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thế giới và trong nước luôn cung cấp cho Đảng những cơ sở thực tiễn mới. Từ đó, Đảng khái quát, hình thành quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mới vượt lên, thậm chí có thể khác với quan điểm, tư tưởng trước đó. Điều này càng thể hiện rõ trong quá trình đổi mới vừa qua. Từ quan điểm phủ nhận, phê phán gay gắt tất cả những ai đề nghị cho phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, muốn phát triển quan hệ hàng hóa - tiền tệ đến chỗ xem phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là quan điểm chiến lược của toàn bộ thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong đó, thành phần kinh tế tư nhân là một động lực phát triển: Từ chỗ không coi trọng sự cần thiết của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đến chỗ xem Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là thiết chế chính trị ưu việt nhất cho việc bảo đảm, phát huy quyền dân chủ của nhân dân; từ chỗ nhiều người trong chúng ta tuyệt đối hóa lợi ích chung đến chỗ xem lợi ích trực tiếp, thiết thân của người lao động là động lực trực tiếp nhất thúc đẩy họ hoạt động có hiệu quả…
Những tư tưởng đó đã từng bước được đưa vào các văn bản Hiến pháp mỗi lần sửa đổi, bổ sung, phát triển.
Nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, chúng tôi thấy những cơ quan có trách nhiệm soạn thảo đã hết sức chú ý giải quyết mối quan hệ giữa thực tế và triển vọng, giữa quan điểm hiện nay của Đảng và triển vọng phát triển của quan điểm đó. Thí dụ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển ở Đại hội XI) vẫn khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kỳ này đã không đề cập vấn đề đó. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với sự "sửa đổi" đó. Song còn một số vấn đề khác chúng tôi còn phân vân, một trong số đó là hình thức tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Về vấn đề này, Dự thảo viết: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (Điều 2, Chương 4: Chế độ chính trị). Trong xã hội, trong đó có bộ phận không nhỏ các nhà khoa học, còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này; nó cũng được trao đổi, thảo luận sôi nổi không khác mấy khi thảo luận về vấn đề có nên xây dựng nhà nước pháp quyền hay không diễn ra ở nước ta một số năm trước năm 1994. Không ít người cũng chưa hiểu thống nhất quyền lực là thống nhất vào đâu? Vào Đảng? Vào Quốc hội hay vào nhân dân? Chúng tôi cho rằng nếu được thực hiện một cách đúng đắn, phân quyền hay không phân quyền chỉ là cơ chế hoạt động, hình thức tổ chức quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm các cơ quan quyền lực có thực quyền hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; nó góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của nhà nước và phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Là Đảng cầm quyền, mức độ trưởng thành, hiệu quả lãnh đạo của Đảng được xác định thông qua việc phát huy đến đâu vai trò quản lý của nhà nước, phát huy tới đâu quyền làm chủ của nhân dân. Tính hợp lý của hình thức tổ chức quyền lực nhà nước cũng được đo bằng việc hình thức tổ chức đó cho phép phát huy cao độ quyền lực của nhân dân. Hình thức tổ chức ấy mang tính lịch sử - cụ thể. Nó tùy thuộc tính chất của chế độ kinh tế và chính trị, truyền thống lịch sử văn hóa của quốc gia, mức độ trưởng thành của nhân dân và của giới cầm quyền.
Nếu suy nghĩ trên đây được xem là đúng, phải chăng đoạn đó trong Dự thảo nên viết như sau: "Quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ hiệu lực quản lý của nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân".