Vì sao đề xuất cho bắn kẻ chống người thi hành công vụ?

Đời sống - Ngày đăng : 21:26, 10/03/2013

Hơn 8 nghìn vụ chống người thi hành công vụ từ 2002 đến tháng 6.2012 là một trong những lý do để đưa ra đề xuất cho phép bắn kẻ chống người thi hành công vụ.


Bộ Công an cho rằng việc xây dựng và ban hành “Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2002 đến tháng 6.2012, cả nước đã xảy ra 8.513 vụ chống người thi hành công vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng.


Đặc biệt, trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.

Tình trạng chống người thi hành công vụ nêu trên không chỉ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, đến hiệu lực, hiệu quả công tác của các lực lượng thi hành công vụ trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.

Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tòa án Nhân dân Tối cao và các bộ, ngành liên quan tiến hành tổng kết 10 năm công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định này.

Theo dự thảo nghị định, người thi hành công vụ có thể áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, như giải thích cho người vi phạm biết rõ họ đã vi phạm pháp luật, cưỡng chế, khám người, phương tiện vi phạm; trường hợp tụ tập đám đông chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp nhằm giải tán, ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục...; nếu có dấu hiệu của tội phạm ít nghiêm trọng, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống đối.

Đặc biệt, theo khoản 2, điều 18 của dự thảo nghị định: “Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.

Ngoài ra, theo dự thảo nghị định, nếu hành vi chống người thi hành công vụ vượt quá khả năng giải quyết hoặc trường hợp có nhiều người cùng thực hiện thì cán bộ thi hành công vụ có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Đồng thời, theo dự thảo nghị định trên thì người thi hành công vụ không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tham nhũng, tiêu cực trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hay vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... 

Theo Lao động