Về Đào Thục gặp những nghệ sỹ nông dân

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 10/03/2013

(HNM) - Từng ánh mắt dõi theo cử động của con rối, những nụ cười rạng rỡ, những tràng pháo tay giòn giã… phần nào nói lên niềm vui của người dân phường Vạn Phúc, quận Hà Đông khi thưởng thức các màn biểu diễn của phường rối Đào Thục tại Tuần văn hóa lễ hội của làng...

Mang theo niềm vui ấy, chúng tôi đã tìm đến phường rối Đào Thục để hiểu hơn về môn nghệ thuật truyền thống này và chia sẻ về cuộc sống của những "nghệ sỹ nông dân" đang hết lòng bảo tồn nghệ thuật dân gian với những con rối bằng cả trái tim và nhiệt huyết.

Rối nước Đào Thục luôn thu hút đông du khách.


Men theo triền đê sông Cà Lồ về thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), một làng quê thuần nông ở Đồng bằng Bắc bộ. Ông Đinh Hữu Tự, Phó phường rối Đào Thục trải lòng: Nghề rối của làng xuất hiện cách đây đã hơn 300 năm. Hiện chùa làng vẫn còn một văn bia ghi công đức ông tổ nghề có công truyền dạy cho dân làng. Trải qua hàng trăm năm, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề như báu vật của làng. Nhiều gia đình, dòng họ đã có 5 đời giữ nghề rối nước…

Anh Nguyễn Thế Nghị, trưởng bộ phận kinh doanh phường rối Đào Thục là người con sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời múa rối. Từ nhỏ, anh Nghị đã say sưa với những tích trò truyền thống như: Múa rồng, câu ếch, xay thóc, giã gạo, đánh đu, trâu chui ống, lên võng xuống ngựa, Thạch Sanh chém trăn tinh... Anh Nghị cho biết, cái hay của rối Đào Thục là việc sử dụng loại máy sào kết hợp điều khiển dây nên con rối có thể quay đầu và vung vẩy đều hai tay, di chuyển sang phải hay sang trái rất dễ dàng. Ngoài một số tích trò cổ được lưu truyền gìn giữ, các nghệ nhân còn sáng tác thêm nhiều tiết mục mới về đề tài nông thôn thời hiện đại như: "Quê tôi đổi mới". Đặc biệt, "Hà Nội 12 ngày đêm" là một trong những tiết mục được rất nhiều khán giả yêu thích bởi nó có sự kết hợp cả rối sào, rối dây để đưa rối đi xa hơn, vòng quanh sân khấu rồi bay lên. "Mỗi vở rối mới, chúng tôi lại phải tính toán để đục đẽo những con rối về hình dáng, kích cỡ, trang trí, số người điều khiển, các khả năng chuyển động của nó rồi cả phần lời thoại và các bài ca mới"- Anh Nghị cho biết.

Là nghề truyền thống của ông cha, cộng với sự đam mê của các thành viên nên phường rối Đào Thục đã để lại những ấn tượng độc đáo trong lòng người xem. Họ đã được ghi nhận qua hàng chục huy chương, bằng khen, giấy khen qua các cuộc thi và các chuyến lưu diễn ở khắp nơi trong và ngoài nước. Ông Tự cho biết thêm: "Năm nay, từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng, đoàn chúng tôi biểu diễn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 2 buổi phục vụ khách đến tham quan. Sau tết, vào mùa lễ hội, chúng tôi được nhiều địa phương mời biểu diễn như ở hội Cổ Loa (Đông Anh), Sóc Sơn, Hà Đông... Biểu diễn ở đâu người đến xem cũng rất đông, ai cũng phấn chấn, khen ngợi".

Để phục vụ người yêu rối nước, các nghệ nhân Đào Thục đã có nhà thủy đình "di động", có thể di chuyển đến bất cứ đâu, chỉ trong một buổi là có thể dựng lên để biểu diễn. Thậm chí, ở những nơi không có ao, hồ như trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn hoặc trên đồi núi, người làng Đào Thục vẫn biểu diễn được với sân khấu là một bể nước di động lớn bằng kim loại, có thể tháo, lắp, vận chuyển dễ dàng.

Những năm gần đây, phường rối Đào Thục đã giành được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Con đường mới về làng được mở rộng, khang trang tạo điều kiện cho những đoàn khách về tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật rối nước. Song điều đó dường như vẫn chưa đủ bởi chuyện nối nghiệp và giữ nghề rất khó khăn. Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó phường rối Đào Thục Đinh Hữu Tự bùi ngùi: Nét đặc biệt ở Đào Thục là diễn viên đều là nông dân. Phường rối hiện có 20 thanh niên điều khiển rối và 30 "nghệ nhân" già. Người cao tuổi nhất đã 73 tuổi, nhỏ nhất 15 tuổi. Những "nghệ sỹ làng" như chúng tôi chẳng ai sống được bằng nghề. Nhiều người dù rất yêu nghề song cũng đành phải chia tay với nghiệp múa rối bởi thu nhập hầu như không có. "Sau mỗi buổi diễn, chúng tôi trích thù lao cho anh em chỉ được vài chục nghìn, không bằng công thợ xây. Cũng do nguồn thu không có nên con rối hỏng cũng không có tiền để thay mới. Đào Thục còn nhiều tích trò cổ rất hay, muốn khôi phục nhưng chưa tìm đâu ra kinh phí. Chỉ vì yêu nghề cha ông để lại mà chúng tôi tập luyện, diễn cho khán giả xem, chứ nghề nông vẫn là công việc chính" - ông Tự cho biết.

Mong muốn được gìn giữ, phát huy một môn nghệ thuật truyền thống không dễ có, những "nghệ sỹ làng" rối nước Đào Thục hy vọng được Nhà nước quan tâm hơn không chỉ về kinh phí bảo tồn mà còn là việc tổ chức, liên kết, có nhiều hơn những hợp đồng biểu diễn, giúp họ có thể sống được bằng nghề. "Phường rối vừa nhận được hợp đồng biểu diễn cho 250 khách quốc tế đến từ Vương quốc Anh. Mùng 9 tháng Ba (âm lịch) này họ về làng xem diễn. Anh em chúng tôi lại quy tụ về phường chuẩn bị kịch bản, đạo cụ phục vụ. Vẫn còn người yêu rối, chúng tôi còn cống hiến"- Ông Tự vui vẻ cho biết.

Nguyễn Mai