Những bông hoa trên sàn đấu
Thể thao - Ngày đăng : 06:42, 10/03/2013
Đỗ Thị Ngân Thương và Nguyễn Mai Phương. |
"Búp bê" đã lớn
7h sáng ngày cuối tuần, sàn tập tại Cung Thể thao Quần Ngựa đã nhộn nhịp. "Nào, phải khởi động hết động tác rồi mới được ra sàn, không là trật chân, tay ngay" - những câu hướng dẫn ấy giờ trở nên quen thuộc với Đỗ Thị Ngân Thương. Bây giờ, cô gái nhỏ nhắn của đội thể dục dụng cụ (TDDC) đã nghỉ thi đấu, chuyển sang huấn luyện tuyến trẻ của đội TDDC Hà Nội. "Mất nửa năm nghỉ dưỡng thương sau ca phẫu thuật chấn thương mắt cá chân kể từ Olympic 2012, giờ đã là lúc có tuổi nên chuyển hướng sang huấn luyện là phù hợp với tôi"- Ngân Thương nói.
Chỉ hai ngày sau dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 là "búp bê" Ngân Thương tròn 24 tuổi. "Với tôi, món quà ý nghĩa nhất trong ngày 8-3 là có được nhiều học trò giỏi. TDDC có những cái khó riêng, tìm người không dễ" - cô HLV trẻ cho biết thêm.
Đứng trên sàn đấu, những động tác khó là trở ngại, nhưng khi làm HLV, sự khó khác hẳn. Nhiệm vụ chính của vị HLV trẻ này là đào tạo cơ bản và tham gia tuyển chọn lực lượng. Phải cất công trao đổi, chia sẻ và động viên từng gia đình, cốt sao bố mẹ các em cho con học thể dục, đó là công việc đầy khó khăn mà Ngân Thương cùng HLV Đỗ Thùy Giang đang thực hiện. Tới giờ, lớp năng khiếu của Ngân Thương có tới 15 em nhỏ.
Thương kể, huấn luyện các em mang lại nhiều cảm xúc, gợi nhớ đến lúc cô còn bé xíu. Lúc đó, Ngân Thương cũng như những đứa trẻ 6-7 tuổi bây giờ, mếu máo mà vẫn lăn mình vào tập. Hiểu vậy, nên tiếng là HLV nhưng Ngân Thương đối với các em như người chị, luôn chia sẻ, động viên học trò. "Lớp tuyển chọn của tôi hoạt động từ trước tết khoảng 2 tháng. Làm HLV mệt, nhưng có cái hào hứng riêng. Tôi được cô Giang chỉ dạy rất nhiều, hy vọng sớm có được một vài gương mặt triển vọng trong số 15 thành viên hiện có" - HLV Ngân Thương chia sẻ trước khi tiếp tục trở lại với công việc.
Wushu là cái nghiệp
Không khác nhiều so với Ngân Thương, Nguyễn Mai Phương giờ là HLV trẻ của đội wushu năng khiếu Hà Nội. Một buổi đứng lớp mệt không kém gì khi còn luyện tập, thi đấu, nhưng phía sau là niềm vui. Mai Phương tâm sự: "Vị trí HLV tạo động lực phấn đấu. Dù mệt, tôi vui vì có cơ hội truyền đạt những gì mình đã có. Đó là điều quan trọng bởi với các VĐV trẻ, có rèn kỹ thuật đúng thì tương lai mới tốt được".
Mai Phương giã từ sự nghiệp thi đấu quá sớm do chấn thương (Phương sinh năm 1990), ước mơ dang dở như được dồn hết cho học trò. Những buổi lên lớp của Mai Phương tại căn phòng tập ở phố Trịnh Hoài Đức diễn ra đều đặn. Những lần chấn thương, khó khăn khi theo đuổi nghiệp võ đã giúp cô cứng cỏi hơn. Xinh xắn, dễ thương, là dân võ nhưng Mai Phương rất mê viết truyện, nấu ăn, làm bánh. Thậm chí, cô gái còn ấp ủ ước mơ mở tiệm bánh ngọt…
- Nguyễn Mai Phương thuộc lứa VĐV wushu nội dung biểu diễn (taolu) cùng với Vũ Trà My, Vũ Thùy Linh. Thành tích đáng nhớ nhất của cô là tấm HCV tại Asian Indoor Games 3-2009. Cũng năm đó, trước thềm SEA Games 25, Mai Phương phải rời ĐTQG vì chấn thương. Tại SEA Games 26-2011, Mai Phương giành HCV cho Việt Nam. Tại Olympic 2008 tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc), khi wushu được tham dự với tư cách môn biểu diễn, Mai Phương đã giành HCĐ cá nhân. - Đỗ Thị Ngân Thương sớm nổi lên từ SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Năm đó, Thương giành 2 HCV. Kỳ SEA Games tiếp theo, Thương tiếp tục có 2 HCV tại nội dung toàn năng và cầu thăng bằng. Tại SEA Games 24 tổ chức ở Thái Lan, Thương giành 1 HCV đơn môn cầu thăng bằng. Năm 2011, tại SEA Games 26, Ngân Thương giành 2 HCV, 1 HCB. Đỗ Thị Ngân Thương cũng là VĐV TDDC duy nhất của Việt Nam dự 2 kỳ Olympic liên tiếp (2008, 2012). |